Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Thứ sáu, 28/01/2022 13:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn vừa ký Văn bản 1016/BGTVT-VT triển khai thực hiện Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 25/01/2022 về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn; Các Hãng hàng không: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và các cơ quan, đơn vị trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:
1. Cục Hàng không Việt Nam:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không kiểm tra, rà soát công tác an toàn, trang thiết bị phục vụ các chuyến bay (quốc tế và nội địa), không để tình trạng chậm, hủy chuyến, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp cảng hàng không bố trí nơi khai báo y tế, kiểm tra y tế tại cảng hàng không một cách khoa học, hợp lý, không làm tăng thêm các bước/thủ tục, tránh tập trung đông người làm nguy cơ lây nhiễm.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải có biện pháp chủ động, sẵn sàng kịp thời ứng phó, xử lý các hành vi đe dọa, uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là ứng phó khẩn nguy với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, khủng bố vào hoạt động hàng không dân dụng.
- Tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có ý kiến với Tổ 5 Bộ về việc bố trí các chuyến bay Combo, “giải cứu” đến các sân bay khác hoặc giãn cách giờ hạ cánh để giảm tải cho sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tránh việc tập trung đông hành khách, không để ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các quốc gia/vùng lãnh thổ về mở chuyến bay thương mại, tần suất các chuyến bay;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh phương án xét nghiệm bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hạn chế tối đa phiền hà cho hành khách.
- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ.
2. Các doanh nghiệp cảng hàng không:
- Rà soát công tác an toàn, trang thiết bị phục vụ các chuyến bay (quốc tế và nội địa), không để tình trạng chậm, hủy chuyến, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
- Bố trí nơi khai báo y tế, kiểm tra y tế tại cảng hàng không một cách khoa học, hợp lý, không làm tăng thêm các bước/thủ tục, tránh tập trung đông người làm nguy cơ lây nhiễm. 
- Triển khai biện pháp chủ động, sẵn sàng kịp thời ứng phó, xử lý các hành vi đe dọa, uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là ứng phó khẩn nguy với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, khủng bố vào hoạt động hàng không dân dụng.
3. Các hãng hàng không Việt Nam:
- Rà soát công tác an toàn, trang thiết bị phục vụ các chuyến bay (quốc tế và nội địa), không để tình trạng chậm, hủy chuyến. 
- Tuân thủ các quy định về vận chuyển, đặc biệt là việc xét nghiệm đối với hành khách, không tự phát sinh thêm các thủ tục so với quy định. Thực hiện nghiêm nghĩa vụ của người vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật.
- Triển khai biện pháp chủ động, sẵn sàng kịp thời ứng phó, xử lý các hành vi đe dọa, uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là ứng phó khẩn nguy với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, khủng bố vào hoạt động hàng không dân dụng.

DT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)