Bộ GTVT vừa có Công văn số 1455/BGTVT-VT Các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; các Tổng công ty: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Vận tải thủy, Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; các Sở Giao thông vận tải thực hiện Thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 02 tháng 02 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; để chủ động ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, làm tốt công tác nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; chủ động đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, kịp thời có hiệu quả của hành vi vận chuyển hàng lậu.
Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế để chủ động phòng ngừa tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ sớm, từ xa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại...
Xử lý nghiêm hoặc phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.