Các quan chức Italy và Pháp ngày 20/12 đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền thành phố Turin của Italy và thành phố Lyon của Pháp.
Các quan chức Italy và Pháp ngày 20/12 đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền thành phố Turin của Italy và thành phố Lyon của Pháp.
Đây là một phần của Dự án vận tải hành lang Địa Trung Hải của Ủy ban châu Âu mà dự tính sẽ nối liền bán đảo Iberia với Kiev, Ukraine.
Dự án này trị giá khoảng 8,2 tỷ euro (10,6 tỷ USD) do một công ty liên doanh Pháp-Italy chịu trách nhiệm quản lý. Giai đoạn đầu của dự án, được khởi công vào năm 2012, bao gồm việc xây dựng một đường hầm dài 57km từ thành phố Susa ở gần Turin, xuyên qua vùng núi Alps ở phía Tây Bắc Italy đến Saint Jean de Maurienne ở Pháp.
Giới chức cho biết toàn bộ dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào khoảng năm 2023. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ giúp vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa mà hiện đang phải cần tới khoảng 700.000 chuyến xe tải mỗi năm để vận chuyển.
Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp rút ngắn hơn một nửa khoảng thời gian hành trình bằng đường sắt từ Turin đến Lyon, xuống còn 2 giờ, và giảm bớt thời gian từ Milan đến Paris từ 7 giờ xuống còn 4 giờ.
Các cuộc đàm phán về dự án nói trên đã được bắt đầu cách đây hơn ba năm, nhưng đã vấp phải sự phản đối của một phong trào chống lại việc xây dựng đường sắt cao tốc ở Italy (gọi tắt là phong trào "No Tav" - bao gồm các nhà bảo vệ môi trường, một số thành viên cánh tả và cư dân địa phương).
Hồi tháng 6 vừa qua, hơn 80 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ sau khi cảnh sát phá dỡ các hàng rào chướng ngại vật do những người biểu tình thuộc phong trào "No Tav" dựng lên, nhằm ngăn cản công nhân xây dựng tiếp cận vị trí khoan đường hầm ở gần thành phố Susa. Nhiều cuộc biểu tình phản đối tương tự cũng đã diễn ra ở Rome.
Cùng ngày, lãnh đạo đảng Xanh của Italy, ông Angelo Bonelli, đã lên tiếng chỉ trích dự án, cho rằng nó đang gây lãng phí công quỹ. Theo ông Bonelli, hiện không cần xây dựng một tuyến đường sắt cắt ngang qua những vùng núi đẹp và nguyên sơ nhất của Italy.
Nguyên nhân là tuyến đường sắt nối liền giữa Turin và Lyon hiện nay vẫn chưa được tận dụng triệt để hết công suất, chỉ vận chuyển được khoảng 2,5 triệu tấn hàng hóa, trong khi công suất tối đa của nó là 32 triệu tấn./.
TTXVN