Tiểu bang Malacca của Malaysia đang hy vọng Chính phủ Liên bang sẽ phê duyệt dự án xây dựng cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền bang này với tỉnh Riau của Indonesia.
Tiểu bang Malacca của Malaysia đang hy vọng Chính phủ Liên bang sẽ phê duyệt dự án xây dựng cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền bang này với tỉnh Riau của Indonesia.
Cây cầu dài 48km nối liên hai nước Malaysia và Indonesia ở điểm hẹp nhất ngang eo biển Malacca sẽ nằm trong dự án xây dựng con đường cao tốc 127,93km với tổng kinh phí dự kiến là 12,75 tỷ USD.
Dự án trên do công ty Straits of Malacca Partners Sdn Bhd (SOMP) đề xuất xây dựng với thời gian dự kiến mất bốn năm khảo sát, nghiên cứu và 10 năm xây dựng.
Năm 2009, SOMP đã gửi đề nghị lên chính phủ hai nước Malaysia và Indonesia để xin phê duyệt dự án. Nhưng đến nay công trình vẫn chưa được triển khai.
Cuối tuần qua, Thủ hiến bang Malacca, Mohd Ali Rustam, cho biết dự án vẫn đang chờ sự phê duyệt của chính phủ hai nước. Tuy nhiên, ông hy vọng Jakarta và Putrajaya sẽ cho bật đèn xanh cho dự án này. Bởi vì, đây là một dự án rất lớn, và khi hoàn thành, cây cầu sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, kết nối Malaysia và Indonesia, đồng thời sẽ mở ra ra các cơ hội kinh doanh mới giữa hai nước.
Theo kế hoạch, SOMP sẽ là nhà thầu xây dựng với khoản đóng góp vốn là 15%, 85% còn lại sẽ được bảo đảm hỗ trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank of China) và các tổ chức tài chính khác.
Dự án cầu nối hai nước Malaysia và Indonesia được Viện khảo sát, thiết kế và hoạch định giao thông tỉnh Hồ Nam (HNCDI), một nhà thiết kế kết cấu với nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các cây cầu trong 20 năm qua tại Trung Quốc, đảm nhiệm thiết kế tổng thể cùng với sự tham gia của một công ty Hà Lan và ba công ty khác.
Dự án sẽ bao gồm việc xây dựng một cây cầu dài 48km nối liền từ thành phố Malacca đến đảo Rupat của tỉnh Riau, một cầu 8km nối đảo Rupat với thủ phủ Dumai của tỉnh này; và các đoạn đường cao tốc với tổng chiều dài 71,93km. Mỗi chiều của đường cao tốc sẽ gồm hai làn xe và một làn đường khẩn cấp, được xây dựng theo các thông số kỹ thuật đường cao tốc bình thường.
Cây cầu này được xây cao 76m so với mực nước biển trong thời gian thủy triều cao, đảm bảo cho các tàu lớn nhất hiện nay có thể đi qua.
Dự án xây cầu nối hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia đã được Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad nêu ra vào năm 1995 nhưng sau đó đã bị gác lại do khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997./.
TTXVN