Thái Lan áp dụng Công nghệ thông tin vào quản lý giao thông

Thứ ba, 20/11/2012 11:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông ở thủ đô Bangkok tuy náo nhiệt, tắc đường thường xuyên xảy ra, nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất tốt.

Giao thông ở thủ đô Bangkok tuy náo nhiệt, tắc đường thường xuyên xảy ra, nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất tốt.

Tại Thái Lan, mỗi năm có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Nhìn vào con số này, nhiều người không khỏi giật mình bởi nó cũng xấp xỉ như ở Việt Nam. Có tới tới 10 triệu xe ô tô cá nhân đang lưu hành tại Thái Lan, tuy nhiên, phần lớn số nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông ở quốc gia này lại là những trường hợp liên quan đến xe máy, xe đạp và người đi bộ.

Du khách nhiều nước đến Bangkok đều có chung cảm nhận về giao thông tại đây là sự náo nhiệt, việc tắc đường diễn ra thường xuyên, tuy nhiên các phương tiện tham gia giao thông rất quy củ và ý thức người tham gia giao thông rất tốt. Vài năm trở lại đây, công nghệ thông tin đã được áp dụng nhiều để tối ưu hóa việc quản lý giao thông tại Bangkok và các nhà quản lý thành phố hơn 10 triệu dân này đang đẩy mạnh nhiều dự án cả về công nghệ cao lẫn các hình thức tuyên truyền để duy trì và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành giao thông cho người dân.

Cách đây gần 50 năm, chiếc xe ô tô đầu tiên do người Thái lắp ráp đã ra đời và người dân sớm được tiếp cận với văn hóa ô tô. Những Đài phát thanh FM có những chương trình như VOV giao thông ở Việt Nam manh nha xuất hiện và cho đến nay, gần như đài FM nào cũng có chương trình phát thanh hỗ trợ người lái ô tô. Ngồi sau vô lăng, người lái xe còn được hỗ trợ thông tin miễn phí từ các đài FM chuyên về thông tin giao thông, các hệ thống bảng hiệu dẫn đường đầy đủ, khoa học, hệ thống bảng điện tử thông báo về tình trạng đường xá, thời tiết, các hướng đi, tọa độ hiện tại trong khu vực đang lưu hành...

Hàng loạt dự án áp dụng công nghệ đã và đang được triển khai gần đây để hỗ trợ người tham gia giao thông như hệ thống thu phí cầu đường bằng thẻ kết nối không dây (Electronic Toll Collection Systems - ETCS), các dịch vụ xác định tọa độ GPS, hệ thống cung cấp dữ liệu (Advanced Traveler Information Systems - ATIS)…Việc triển khai các dịch vụ này đã hỗ trợ rất nhiều cho người tham gia giao thông sử dụng ô tô. Anh Sucphakul, một người tham gia giao thông ở Bangkok cho biết: “Trước khi có hệ thống này, giao thông tại Bangkok lúc nào cũng tắc nghẽn, sáng cũng như chiều, nay thì đã khác”.

Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông tại Thái Lan cũng là lời giải cho thắc mắc của nhiều du khách lần đầu đến Bangkok không thấy nhiều cảnh sát giao thông trên đường. Hàng loạt các hệ thống camera gắn trên các trục giao thông, điểm cao, các góc khuất… trong hệ thống điều hành tổng thể của cảnh sát với các phần mềm hiện đại luôn được cập nhật như hệ thống quản lý giao thông thông minh (Intelligent Transport System – ITS, Advanced Traffic Management Systems – ATMS…), hệ thống quản lý sự di chuyển của các phương tiện, quản lý ô tô như (Advanced Vehicle Control Systems – Avcs), hay hệ thống quan lý các vụ tai nạn, các sự cố khẩn cấp (Incident Management and Emergency Response Systems – IMERS). Cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện khi cần phân làn mới, hoặc hướng dẫn trực tiếp người tham giao giao thông chuyển làn, giảm tải sang khu vực có mật độ xe thấp.

Đại úy Waiphot Kunlachay, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành Cục Quản lý cảnh sát giao thông Thái Lan cho biết: “Thông qua hệ thống camera, các tín hiệu được chuyển tải lên màn hình và qua đó chúng tôi phân tích và đưa ra các tư vấn cho lực lượng cảnh sát tại các chốt thông qua bộ đàm. Phương thức điều hành này hỗ trợ rất nhanh cho việc xử lý sự cố, trợ giúp người bị nạn và giải phóng giao thông”.

Việc xử phạt vi phạm giao thông cũng được hiện đại hóa và thành hệ thống, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt cũng như tạo điều kiện cho người vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình.

Vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã ra các quyết định về việc cấm lái xe sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển xe trên đường, kể cả hành khách, đồng thời quy định cấm bán rượu tại một số cơ sở liên quan nhiều đến lái xe.

Mỗi năm, tai nạn giao thông đã làm cho Thái Lan thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, chiếm gần 3% GDP của nước này. Có vẻ phi lý khi với dân số hơn 60 triệu người, mỗi năm hơn 10.000 người đã thiệt mạng vì giao thông, một tỷ lệ cao trong khi ý thức tham gia giao thông của người dân Thái Lan luôn được đánh giá tốt trong các hệ thống đánh giá của thế giới. Các con số thống kê của cảnh sát cho thấy khoảng 80% các vụ tai nạn giao thông gây thiệt mạng tại Thái Lan có liên quan đến xe máy. Việc lái xe máy mà không đội mũ bảo hiểm là vi phạm luật giao thông nhưng quả thực lại dễ mục sở thị tại Bangkok, đặc biệt ở các khu dân cư hay tuyến đường phụ. Theo thông tin của Quỹ “Say thì không lái xe”, một tổ chức uy tín về giao thông tại Thái Lan cho biết, 54% số người lái xe máy được hỏi cho biết họ từng lái xe máy trong tình trạng không đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là tại sao Bangkok vẫn luôn tắc đường vào loại đầu bảng của thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc đường là dù sở hữu hệ thống đường giao thông hiện đại, nhưng các tuyến đường ở Bangkok được thiết kế cho lưu lượng khoảng hơn 1,5 triệu xe ô tô tham gia giao thông, nhưng hiện có hơn 5 triệu ô tô cá nhân các loại đăng ký lưu hành, trong đó chưa kể các loại phương tiện khác.

Các nhà quản lý hành chính Bangkok luôn đau đầu với bài toán khó giải là giao thông động chỉ chiếm hơn 10% diện tích thành phố, trong khi con số này tại Tokyo (Nhật Bản) là 23% và New York (Mỹ) là 38%. Việc tăng tỷ lệ này lên bằng các dự án hệ thống tàu điện trên cao, tầu điện ngầm trong 10 năm qua cho dù có cải thiện tình hình nhưng chẳng khác nào chuyện cơi nới nhà ở. Một số nước đã chuyển hoặc xây Thủ đô mới, còn tại Thái Lan, khả năng chuyển Thủ đô không cao do nhiều nguyên nhân về địa lý, kinh tế và lịch sử. Nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Thái Lan vừa qua đều chọn phương án xây dựng các thành phố vệ tinh, dãn dân và các Bộ ngành ra ngoại ô.

Mặc dù là đất nước mà giao thông đường bộ, đường không, đường thủy rất phát triển, giao thông đường sắt lại không phát triển tại Thái Lan. Việc phát triển hệ thống đường sắt cũng góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ cũng như giảm số vụ tai nạn giao thông do thu hút được nhiều người lái xe máy tham gia giao thông đường sắt. Tuần trước, người đứng đầu ngành đường sắt Thái Lan đánh giá rằng, Thái Lan đã bị tụt hậu vài chục năm so với các nước trong ASEAN và ngành này vừa được chính phủ chấp nhận chi khoản ngân sách gần 6 tỷ USD để phát triển mạng lưới đường sắt tốc độ cao tại Thái Lan. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong vòng 10 năm tới, số lượng nạn nhân do tai nạn giao thông tại Thái Lan sẽ giảm 50% so với hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng các công nghệ cao vào quản lý giao thông, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông và thực hiện các đại dự án giao thông nối các tỉnh thành của Thái Lan.

Theo VOV

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)