3 quốc gia Úc, Indonesia và Malaysia sắp tới sẽ hợp tác thử nghiệm phương pháp liên lạc mới để kiểm soát hành trình của các chuyến bay nhằm tránh lặp lại một vụ việc tương tư như MH370.
Thông báo này được Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Úc đưa ra vào hôm 1/3, trong thời điểm chỉ còn 1 tuần nữa là tròn 1 năm kể từ ngày chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích khi đang bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014
Airservices Australia, cơ quan quản lý ngành hàng không của chính phủ Úc sắp tới sẽ phối hợp cùng Malaysia và Indonesia thử nghiệm hệ thống giúp thông báo vị trí của các chuyến bay mỗi 15 phút 1 lần, so với như cũ là 30 - 40 phút. Phương pháp này được dựa trên hệ thống vệ tinh được lắp đặt trên 90% số máy bay đang vận hành trên thế giới hiện tại, giúp thông báo vị trí hiện tại và 2 vị trí theo kế hoạch tiếp theo mà chuyến bay đang hướng tới.
Ông Angus Houston, chủ tịch của Airservices Australia cho biết khi ra mắt, hệ thống này sẽ tăng tần suất báo cáo vị trí của các chuyến bay so với hiện tại, từ đó giúp các đài kiểm soát không lưu theo dõi chúng tốt hơn và để nhằm có kế hoạch đối phó khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.
“Tuy đây chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng nó sẽ là một bước quan trọng để để cải tiến việc theo dõi hành trình của máy bay trong khi các phương pháp, công nghệ hiệu quả hơn đang được nghiên cứu và phát triển”, ông Houston cho biết.
Kể từ khi chuyến bay MH370 mất tích, vẫn chưa có yêu cầu nào về việc theo dõi hành trình của các chuyến bay theo thời gian thực được đưa ra, mặc dù các hãng hàng không cũng như các cơ quan quản lý đều đồng ý rằng việc này là thực sự rất cần thiết.
Về phía chuyến bay MH370, một nhóm các chuyên gia đã tiến hành phân tích một loạt các tín hiệu giữa chuyến bay này và một vệ tính và xác định rằng, sau khi mất tích, MH370 vẫn tiếp tục bay thêm khoảng 7 tiếng đồng hồ trước khi có thể rơi xuống đâu đó tại Ấn Độ Dương. Một cuộc tìm kiếm khác cũng đã được mở ra, tuy nhiên vẫn chưa có gì được tìm thấy.