Mới đây, việc xây dựng đường hầm đường sắt Gotthard tại Thụy Sĩ đã được hoàn tất. Đường hầm này cũng chính thức chiếm kỷ lục “đường hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất thế giới”.
Đường hầm Gotthard được khởi công xây dựng từ năm 1996 với vốn đầu tư 10.3 tỷ USD từ chính phủ Thụy Sĩ. Đây là một phần của dự án AlpTransit, còn gọi là Liên kết đường sắt mới qua dãy Alps (NRLA), bao gồm đường hầm Lötschberg giữa bang Bern và Valais. Nó sẽ thay thế đoạn đồi núi của tuyến đường sắt Gotthardbahn đã được xây trong thế kỷ thứ 19 chạy qua núi Saint-Gotthard Massif, đồng thời thiết lập một tuyến đường trực tiếp có thể sử dụng cho đường sắt cao tốc và các chuyến tàu hoả vận tải hạng nặng.
Được biết, hơn 2.000 công nhân cùng 2 triệu chuyến xe tải đã được huy động cho dự án khổng lồ này. Quá trình xây dựng sử dụng những máy khoan lớn để đào xuyên dãy núi Alps. Đây là một công việc nguy hiểm, khi mà đã có 8 công nhân thiệt mạng trong lúc thi công.
Với độ sâu 2.400 mét dưới bề mặt Trái đất, đường hầm Gotthard chính thức nhận danh hiệu Đường hầm đường sắt sâu nhất thế giới. Chưa kể, với chiều dài 56 km, so với đoạn hầm ngầm dài 23.3 km của đường hầm Seikan tại Nhật Bản, đường hầm Gotthard cũng đã chiếm ngôi Đường hầm dài nhất thế giới.
Khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2016 tới, đường hầm Gotthard sẽ đưa hành khách đi từ thủ đô Zurich, Thụy Sĩ tới Milan, Italia chỉ trong vòng 2 tiếng 50 phút, giảm thời gian di chuyển tới gần 1 tiếng đồng hồ so với hiện tại.
Tờ báo Geneva cho biết những cuộc thử nghiệm độ an toàn tại đường hầm Gotthard sẽ được bắt đầu vào tháng 10 năm nay. Và vào tháng 1/2016, 1.000 người sẽ được lựa chọn làm những hành khách đầu tiên được vinh dự đi qua đường hầm đường sắt lớn nhất thế giới này.