Lufthansa sẽ là Hãng hàng không đầu tiên thử nghiệm hệ thống mạng Wifi tốc độ cao trong dự án của Công ty viễn thông Inmarsat vào năm 2017.
Mới đây, Inmarsat đã phối hợp với Công ty viễn thông Duetsche Telekom của Đức để thực hiện dự án mạng tốc độ cao tới các hãng hàng không Châu Âu, với kỳ vọng các hành khách có thể sử dụng mạng internet trên các chuyến bay nhanh như khi ở dưới mặt đất.
Nếu thành công, đây sẽ là dịch vụ mạng internet hàng không có tốc độ truy cập nhanh nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại. Theo Inmarsat, tốc độ của dịch vụ có thể lên tới 75 megabit/giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ 30 megabits/ giây với mạng hệ thống mạng cáp quang băng thông rộng tại một số thành phố.
Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất của Đức sẽ là đối tượng thử nghiệm đầu tiên của dự án này vào năm 2017. Đại diện hãng hàng không cho biết, với dịch vụ mạng này, hành khách sẽ có thể thoải mái truy cập mạng xã hội, gửi thư điện tử, nghe nhạc và thậm chí là xem phim mà không gặp bất cứ trục trặc nào. Lufthansa cũng đang cân nhắc việc cho phép hành khách sử dụng ứng dụng Skype để hành khách có thể thực hiện cuộc gọi trên chuyến bay.
Hiện chi phí mà hành khách sẽ phải chi trả cho dịch vụ này chưa được các nhà phát hành quyết định. Tuy nhiên, chi phí có thể sẽ tùy thuộc vào hạng ghế của hành khách trên chuyến bay.
Một số người đã đặt ra câu hỏi rằng nếu trong tình huống toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ này cùng một lúc, liệu tốc độ truy cập có bị chậm đi hay không. Ông Martin Riecken, giám đốc truyền thông của Lufthansa cho rằng đây không phải là vấn đề lớn.
“Hành khách sử dụng mạng internet với nhiều mục đích khác nhau. Cho dù tất cả mọi người có cùng sử dụng một lúc, còn tuy thuộc xem họ dùng mạng làm việc gì. Chẳng hạn nếu bạn vào hộp thư điện tử, bạn sẽ chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ băng thông mạng để tải hộp thư, sau đó sẽ không còn kết nối tới internet. Đó là lí do khiến tôi nghĩ rằng đây sẽ không phải là một vấn đề lớn.” - Ông Riecken cho biết.
Ông Leo Mondale, giám đốc công ty viễn thông Inmarsat cho biết, việc phối hợp giữa cả việc kết nối vệ tinh và hệ thống mạng dưới mặt đất sẽ giúp dịch vụ này mạnh mẽ hơn và ứng phó được với nhiều trường hợp khi nhu cầu dùng tăng cao, đặc biệt là tại khu vực đông đúc xung quanh các sân bay.
Theo ông Leo, khi máy bay đạt đến độ cao hơn 3.000 mét, hệ thống mạng dưới mặt đất sẽ được sử dụng song song với mạng từ vệ tinh. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà phi công của chuyến bay có thể thay đổi giữa 2 hệ thống này cho phù hợp.
Tuy vậy, hiện tại nhiều hãng hàng không vẫn sẽ phải cố gắng nhiều để bắt kịp hàng không Mỹ trong việc vận hành dịch vụ Wifi trên các chuyến bay. Có đến 2/3 số chuyến bay tại Mỹ cho phép hành khách sử dụng Wifi miễn phí trên máy bay. Trong khi đó tại Châu Âu mới chỉ có hãng hàng không Norwegian Air Shuttle cho phép hành khách sử dụng Wifi miễn phí, trừ 2 máy bay đường ngắn Boeing 737-800.
“Tại Mỹ, thậm chí là máy bay của các hãng hàng không địa phương cũng có mạng Wifi” - ông Jason Rabinowitz, giám đốc nghiên cứu của Routehappy, trang web cung cấp dịch vụ đánh giá các chuyến bay cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Rabinowitz, tốc độ mạng Wifi tại các chuyến bay ở Mỹ chậm hơn rất nhiều. Các dịch vụ hàng đầu tại đây cũng chỉ cung cấp mạng Wifi với tốc độ tối đa 30 megabit/giây, trong khi hầu hết các máy bay thương mại chỉ có tốc độ Wifi vào khoảng 9,8 megabit/giây. Tốc độ thực tế thậm chí còn có thể chậm hơn, chỉ rơi vào khoảng 3-5 megabit/giây.