Cuối tháng 10 này, Trung Quốc liên tục ra mắt những loại tàu hiện đại với các tính năng chưa từng có trên thế giới. Đây không chỉ là một trong những bước phát triển nhằm hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ 4.0, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa nhanh chóng của nước này.
Hệ thống vận tải ART
Làm tàu ảo rẻ hơn nhiều so với tàu điện ngầm
Nói đến bước ngoặt trong công nghệ tàu hỏa mới nhất của Trung Quốc phải kể đến sự kiện thử nghiệm tàu “không đường ray” đầu tiên trên thế giới tại TP Chu Châu (tỉnh Hồ Nam) cuối tuần vừa qua. Phương tiện này được gọi là hệ thống vận tải đường ray ảo nhanh tự động (ART) do CRRC Corporation Limited - một trong những Tập đoàn sản xuất tàu lớn nhất thế giới thiết kế và chế tạo.
Thiết kế của ART được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 và ra mắt hồi tháng 6/2017 vừa rồi. Sau 4 tháng, con tàu này chính thức lăn bánh trên đường phố trong chuyến thử nghiệm đầu tiên.
Phương tiện này có thiết kế được kết hợp giữa xe buýt dài và tàu điện và tàu hỏa truyền thống, có thể chở nhiều hành khách hơn xe buýt nhưng cách hoạt động lại không giống tàu điện. ART như một con rắn xanh khổng lồ trườn trên đường phố theo đường ray ảo trên mặt đường, chứ không phải trên đường ray như các tàu điện thông thường. Đường ray ảo rộng 3,75m và được thiết kế ẩn mình trong những dải sơn kỹ thuật số dọc đường.
Ông Feng Jianghua, Kỹ sư trưởng thiết kế đường tàu nhận định, chi phí xây dựng hệ thống ART rẻ hơn nhiều so với chi phí hệ thống tàu điện ngầm hoặc tàu điện truyền thống. Chuyên gia Feng lý giải, để xây dựng 1km tàu điện tại Trung Quốc, chi phí có thể lên tới 150-200 triệu nhân dân tệ (tương đương 23 triệu USD) nhưng với đường ray ảo công nghệ cao, chi phí này có thể giảm xuống còn 50 - 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 11,4 triệu USD) trong cùng một quãng đường.
Vị kỹ sư này cũng cho biết, ART có thể nhận dạng vỉa hè và có thêm một số cảm biến khác có thể thu thập thông tin đi lại. Hiện tại, có 3 phương tiện loại này đã được thử nghiệm trên đường phố Chu Châu, mỗi tàu có thể chở 300 người ở tốc độ 70km/h và chạy 25km trong mỗi lần sạc khoảng 10 phút. Hệ thống “tàu lai xe buýt” này chính thức được mở cửa vào mùa xuân năm 2018 và trong tương lai sẽ được thiết kế để hoạt động hoàn toàn tự động.
Hệ thống vận tải ART cơ động trên đường phố ở Chu Châu
Tàu năng lượng sạch
Nếu như ở Chu Châu, các kỹ sư của CRRC thử nghiệm ART thì tại Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) các kỹ sư của Tập đoàn đường sắt tại đây bắt đầu đưa tàu điện chạy bằng năng lượng hydrogen do Trung Quốc tự sản xuất đi vào hoạt động. Con tàu này đánh dấu hệ thống tàu điện đầu tiên trên thế giới chạy bằng năng lượng hydrogen và thời gian sạc chỉ trong 15 phút.
Tàu mới được Tập đoàn China Railway Rolling Stock (CRRC) phát triển từ năm 2015, có 66 chỗ ngồi nhưng đủ khả năng chở 300 hành khách. Tàu chạy với tốc độ thường khoảng 40km/h và tốc độ tối đa là 70km/h. Loại tàu này vẫn chạy trên đường ray cũ vốn 136 năm tuổi và kết nối một số khu di tích của ngành công nghiệp tại Đường Sơn - một trong những thành phố công nghiệp lâu đời nhất Trung Quốc, cách không xa Thủ đô Bắc Kinh.
Sở dĩ Trung Quốc rốt ráo phát triển đa dạng loại hình tàu trong đô thị, vừa hiện đại vừa thân thiện với môi trường vì đất nước đông dân nhất thế giới đang đối mặt tình trạng đô thị hoá quá nhanh và ô nhiễm môi trường nặng nề. Trang China.org.cn cho biết, tính đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có thêm 80 khu vực được nâng cấp lên thành thành phố vì tốc độ đô thị hoá.
Nhưng, 80% trong số các thành phố quy mô nhỏ và trung bình của Trung Quốc không đủ khả năng để xây dựng tàu điện để đáp ứng lượng khách không ngừng tăng. Cùng lúc, Trung Quốc vật lộn vì tình hình ô nhiễm không khí nhiều năm nay. Các thành phố của Trung Quốc thường xuyên bị bao phủ bởi lớp sương dày đặc, độc hại. Thủ đô Bắc Kinh và khu vực ngoại ô rơi vào cảnh báo sương mù mức độ vàng khiến nhiều tuyến đường cao tốc buộc phải đóng cửa.
Không chỉ chế tạo những loại tàu thân thiện môi trường, Bắc Kinh không ngần ngại đầu tư thử nghiệm các công nghệ thông minh như cảm ứng, trí tuệ thông minh lên tàu như phương tiện ART mới được thử nghiệm vừa qua để đáp ứng hai nhu cầu trên đồng thời đưa Trung Quốc từng bước trở thành nước đi đầu trong công nghệ 4.0 mà Chính phủ Bắc Kinh đặt ra.