ASEAN được thành lập vào năm 1967 với mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hoá tại các quốc gia thành viên và tăng cường hoà bình, ổn định ở khu vực. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu bao trùm là hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hoạt động dựa trên cơ sở Hiến chương ASEAN.
Mở đầu
ASEAN được thành lập vào năm 1967 với mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hoá tại các quốc gia thành viên và tăng cường hoà bình, ổn định ở khu vực. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu bao trùm là hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hoạt động dựa trên cơ sở Hiến chương ASEAN.
Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã và đang tiến hành xây dựng Kế hoạch tổng thể để hình thành ba Cộng đồng là Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hoá-Xã hội. Trong đó, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được các Lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 11/2007 với đặc điểm và nội dung cơ bản là đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành (i) một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; (ii) một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; (iii) một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; (iv) một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Các nước thành viên ASEAN đánh giá giao thông vận tải- với vai trò hỗ trợ dịch vụ và logistics quan trọng, là một trong những bộ phận góp phần phát triển kinh tế và tăng tính cạnh tranh cho ASEAN trên trường quốc tế. ASEAN cũng đã nhất trí xác định 12 lĩnh vực được coi là những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có vận tải hàng không.
I. Chương trình hành động GTVT ASEAN
Để đạt được mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, ASEAN đã xác định một trong những chương trình quan trọng là Chương trình hành động GTVT ASEAN (ATAP) 2005-2010 (thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 10 (ATM 10), tháng 11/2004 tại Phnom Penh, Cămpuchia). Chương trình thể hiện mục tiêu của các Nhà lãnh đạo ASEAN về việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khẳng định hệ thống giao thông vận tải hội nhập và có hiệu quả là chìa khoá để ASEAN hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nâng cao tính cạnh tranh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để đạt được mục tiêu đó, các nước ASEAN cần tăng cường các hoạt động khu vực để thúc đẩy kết nối vận tải đa phương thức, đơn giản hoá việc di chuyển người và hàng hoá, thúc đẩy tự do hoá hơn nữa dịch vụ vận tải hàng không và vận tải biển.
ATAP 2005-2010 gồm có 48 dự án và hành động, trong đó có 10 hành động về vận tải hàng không, 13 hành động về vận tải trên bộ, 14 hành động về vận tải biển và 11 hành động về tạo thuận lợi vận tải, với các định hướng như sau:
(i) Thúc đẩy vận tải hàng hoá “từ cửa đến cửa” hiệu quả, tạo thuận lợi vận tải qua biên giới thông qua việc đơn giản hoá / hài hoà hoá chứng từ và thủ tục thương mại, vận tải; thiết lập hệ thống và các thủ tục thông quan và quá cảnh hàng hoá thống nhất; cung cấp dịch vụ giao nhận, logistics hiệu quả.
(ii) Cải tiến cơ sở hạ tầng mạng lưới vận tải bộ để kết nối tốt hơn với các cửa ngõ hàng hải và hàng không quốc gia, khu vực và quốc tế.
(iii) Xây dựng chính sách vận tải biển khu vực để giải quyết vấn đề container ngày càng tăng trong khu vực, tăng tính hiệu quả và năng suất trong các cảng ASEAN, hợp lý hoá dịch vụ vận tải biển và dịch vụ vận tải đa phương thức.
(iv) Hỗ trợ du lịch, thương mại và đầu tư trong ASEAN thông qua triển khai Lộ trình Hội nhập Vận tải Hàng không ASEAN, bao gồm triển khai việc tự do hoá hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hoá hàng không trên cơ sở song phương và đa phương.
(v) Xây dựng chính sách cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân và/hoặc hợp tác nhà nước-tư nhân vào việc xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông vận tải, cung cấp dịch vụ và phương tiện vận tải và logistics.
(vi) Tăng cường hợp tác với các nước đối thoại bằng việc tư vấn chính sách và thực hiện các chương trình và hoạt động kết hợp, và:
(vii) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực về các chương trình hai bên cùng có lợi.
Các nước thành viên ASEAN đã tham gia chặt chẽ vào các hoạt động hợp tác khu vực dưới một hoặc kết hợp các hình thức sau:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể đến dự án kết nối đường sắt (mạng đường sắt Singapore – Côn Minh (SKRL) và đường bộ (mạng đường bộ ASEAN);
- Sáng kiến tự do hoá trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng không, tạo thuận lợi vận tải quá cảnh và vận tải đa phương thức;
- Xây dựng và điều phối chính sách: hình thành 3 Hiệp định Tạo thuận lợi Vận tải (Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi Hàng hoá Quá cảnh; Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức và Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia) và 2 Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hoá hoàn toàn vận tải hàng không và Dịch vụ vận tải hàng hoá hàng không; Lộ trình hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh của vận tải biển trong ASEAN...
Đánh giá một cách tổng thể, việc thực hiện các chương trình hành động ATAP 2005-2020 đã đạt được những kết quả tốt. Trong số 48 hành động có 12 hành động đã hoàn thành, 21 hành động đang thực hiện và 15 hành động đang trong quá trình chuẩn bị. Tuy vậy, trong thực tế nhiều nước ASEAN có tâm lý muốn đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng lớn mà ít khi chú trọng đến việc xem xét các sáng kiến đó có đóng góp thiết thực cho thúc đẩy sự hợp tác hay không, nhất là khi các nước đóng vai trò chủ nhà cấp cao ASEAN. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN cần tập trung vào triển khai một số ý tưởng có tính khả thi (chứ không thể tất cả) và được các nước ASEAN chấp thuận cao. Các dự án lớn về hạ tầng GTVT gặp khó khăn trong việc triển khai do có vấn đề chính là nguồn vốn đầu tư, ví dụ dự án đường sắt SKRL được hình thành trên ý tưởng kết nối các tuyến đường sắt hiện có và một số đoạn chưa có đường, đến nay việc triển khai xây dựng các đoạn chưa có đường (ví dụ đoạn Tp.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh trên lãnh thổ Việt Nam) vẫn chưa được triển khai do chưa tìm được nguồn tài chính.
II. Hội nhập kinh tế quốc tế trong vận tải hàng không
Vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN cũng như tiểu vùng. ASEAN đặt mục tiêu vào việc xây dựng chính sách và các hoạt động nhằm thiết lập cơ sở cho thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN vào năm 2015 và tiếp tục thực hiện các hoạt động hàng không và dịch vụ vận chuyển hàng không nhằm tăng cường hơn nữa an toàn, an ninh và hiệu quả của bầu trời ASEAN.
Để từng bước thực hiện mục tiêu nói trên, tại Hội nghị ATM 12, Nghị định thư sửa đổi Bản ghi nhớ ASEAN năm 2002 về Dịch vụ vận tải hàng hoá hàng không đã được ký. Nghị định thư này là bước thực hiện cơ bản ban đầu tiến tới tự do hoá hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hoá hàng không. Theo đó, các hãng hàng không được chỉ định của mỗi Bên Ký kết được phép thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa lên đến 250 tấn mỗi tuần mỗi chiều, không bị giới hạn về tần suất và loại tàu bay từ lãnh thổ của Bên ký kết tới lãnh thổ của các Bên Ký kết khác và ngược lại. Tuy vậy, một số nước như Căm-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (CLMV = ASEAN 4) có thể sẽ không có lợi, do năng lực các hãng hàng không vận tải hàng hoá còn hạn chế.
Để đảm bảo kịp thời hạn đề ra trong Lộ trình Hội nhập Vận tải Hàng không ASEAN (RIATS), Hiệp định đa biên ASEAN về Vận tải Hàng không và Hiệp định đa biên ASEAN về Tự do hoá hoàn toàn Dịch vụ Vận tải Hàng hoá Hàng không được các nước (trừ Thái Lan chưa hoàn thành thủ tục nội bộ) hoàn tất các thủ tục nội bộ và đã ký tại Hội nghị ATM 14 (Manila, Philippines, 11/2008). Sau khi Thái Lan hoàn thành thủ tục nội bộ để ký thì hai Hiệp định này có thể được coi là các nội dung quan trọng nhất về vận tải hàng không do ASEAN. Hai hiệp định này sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện Thị trường hàng không ASEAN thống nhất vào năm 2015, đó cũng là nền tảng để ASEAN thông qua các sáng kiến tăng cường các thoả thuận bầu trời mở / tiếp cận hàng không với các nước đối thoại như Trung Quốc, Ấn Độ và EU…
Chính sách “Bầu trời mở” với nội dung chính là nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, tạo môi trường tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh theo hướng cạnh tranh tự do. Việc ASEAN thực hiện chính sách tự do hoá vận chuyển hàng không góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, dịch chuyển lao động và du lịch trong ASEAN, tăng cường liên kết hội nhập khu vực và liên kết ASEAN với bên ngoài. Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò tích cực trong thực hiện chính sách “Bầu trời mở”, trước hết là trong tiểu vùng CLMV và sau nữa là trong khu vực ASEAN.
Tuy vậy, khoảng cách về phát triển kinh tế nói chung và sự chênh lệch về trình độ phát triển hàng không nói riêng của các quốc gia thành viên ASEAN là khó khăn lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt khi xây dựng thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Đây cũng là trở ngại của ASEAN trong việc thực hiện chương trình hành động GTVT ASEAN 2005-2010. Các quốc gia có trình độ phát triển hàng không còn thấp như CLMV chắc chắn gặp khó khăn trong quá trình hội nhập và thực hiện tự do hoá vận tải hàng không. Thu hẹp khoảng cách phát triển đồng thời đảm bảo sự tham gia bền vững của các hàng hàng không của các nước như CLMV là một công việc rất khó khăn mà các nhà làm công tác hoạch định chính sách vận tải hàng không cần giải quyết để đạt được một thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Trong khuôn khổ hợp tác hàng không tiểu vùng CLMV, Việt Nam đã chủ động đề xuất và Hiệp định CLMV về vận tải hàng không đã được ký vào năm 2004, tạo thuận lợi vận tải hàng không trong khuôn khổ tiểu vùng CLMV, là tiền đề cho phát triển chính sách tự do hoá bầu trời trong ASEAN.
Tự do hoá dịch vụ vận tải, trong đó tự do hoá dịch vụ vận tải hàng không là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việc đàm phán tự do hoá dịch vụ vận tải hàng không được tiến hành trong khuôn khổ Nhóm công tác Vận tải Hàng không (ATWG). Tại Hội nghị ATM 12 (Băng Cốc, Thái Lan, 2/2007), các Bộ trưởng đã ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ năm Dịch vụ Vận tải Hàng không trong Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), với các cam kết trong các lĩnh vực bao gồm: dịch vụ thuê, cho thuê tàu bay có kèm tổ lái và không kèm tổ lái. Gần đây, ASEAN đã mở rộng tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay; bán và tiếp thị vận tải hàng không và dịch vụ đặt giữ chỗ qua máy tính. Trong các vòng đàm phán tới, các nước ASEAN có thể sẽ đưa thêm một số lĩnh vực mới, bao gồm dịch vụ giao nhận hàng hoá bằng đường hàng không, nhằm mở rộng tự do hoá dịch vụ vận tải hàng không ASEAN. Việt Nam đã tích cực tham gia và chủ động đưa ra các bản chào trong đàm phán, với nội dung đảm bảo tính cân đối giữa việc thể hiện sự tích cực trong đàm phán với việc đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong nước.
Dịch vụ Hỗ trợ vận tải hàng không, một trong các yếu tố của AFAS với yêu cầu phải được tự do hoá vào năm 2010, hiện đang được đàm phán trong khuôn khổ “Đàm phán lĩnh vực vận tải hàng không ASEAN (ATSN)”. Các nước đã thống nhất rằng khi thực hiện Lộ trình Tự do hoá dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không này, hai hay nhiều nước thành viên ASEAN đã sẵn sàng có thể đàm phán, hoàn thiện và ký thoả thuận thực hiện theo công thức “ASEAN - X” trên cơ sở song phương, đa phương hay tiểu vùng. Các nước thành viên ASEAN khác có thể tham gia thực hiện khi đã sẵn sàng.
Chính sách “Bầu trời mở” với nội dung chính nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, tạo môi trường tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh theo hướng cạnh tranh tự do. Việc ASEAN thực hiện chính sách tự do hoá vận chuyển hàng không góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, dịch chuyển lao động và du lịch trong ASEAN, tăng cường liên kết hội nhập khu vực và liên kết ASEAN với bên ngoài.
III. Hội nhập kinh tế quốc tế trong vận tải biển
Trong thời gian qua, các nước ASEAN đã tập trung xây dựng Lộ trình tiến tới Vận tải biển cạnh tranh và thống nhất giữa các nước ASEAN để thúc đẩy và tăng cường dịch vụ vận tải hàng hải nội khối ASEAN và đẩy mạnh hơn nữa chương trình hội nhập giao thông vận tải ASEAN. Lộ trình này đã được các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị ATM 13 (tháng 11/2007, tại tại Singapore). Lộ trình đưa ra khuôn khổ phát triển một khu vực cảng và vận tải biển ASEAN hội nhập và cạnh tranh trên toàn cầu bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường pháp lý, hài hòa hóa tiêu chuẩn và xây dựng năng lực của các tổ chức và nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, việc thực hiện Lộ trình đòi hỏi phải có sự bố trí nguồn lực về kinh phí và nhân lực cũng như thời gian. Do điều kiện của mỗi nước ASEAN là khác nhau nên việc thực hiện Lộ trình sẽ cần áp dụng theo công thức ASEAN-X. Theo đó, hai hay một số nước ASEAN đủ điều kiện có thể thực hiện trước, các nước còn lại sẽ tham gia thực hiện khi có đủ điều kiện.
Trong phạm vi Nhóm công tác Vận tải biển, các nước hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước đối thoại trong việc thực hiện một số biện pháp trong Lộ trình. Trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đối thoại rất tích cực bầy tỏ sự quan tâm đối với việc triển khai thực hiện các biện pháp của Lộ trình tiến tới vận tải biển cạnh tranh và thống nhất giữa các nước ASEAN.
Tự do hoá dịch vụ vận tải biển cũng là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện nay, ASEAN đang đàm phán vòng thứ 5 về dịch vụ vận tải biển trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS). Các cam kết trong phân ngành này đến nay gồm có dịch vụ vận tải biển quốc tế (hàng hoá và hành khách, không bao gồm vận tải nội địa), dịch vụ bốc xếp hàng hoá tại cảng biển, dịch vụ đại lý vận tải biển...vv. Tuy vậy, trong thực tế việc đàm phán dịch vụ vận tải biển tiến triển không được tốt như mong muốn ban đầu của ASEAN, nhiều nước không đưa ra được bản chào tích cực, thậm chí còn rút lại bản chào ban đầu với lý do các cơ quan trong nước chưa thống nhất. Trong khi các cuộc họp về đàm phán dịch vụ (CCS) trong khuôn khổ AFAS được tổ chức quá nhiều, khoảng 4-6 cuộc họp/năm gây lãng phí về tài chính và thời gian.
Một số nước trong đó có Việt Nam đã đề xuất chuyển việc đàm phán dịch vụ vận tải biển trong Nhóm công tác chuyên ngành về vận tải biển ASEAN (thuộc CCS) về Nhóm công tác vận tải biển ASEAN (MTWG) (giống như việc đàm phán dịch vụ vận tải hàng không hiện nay được đưa về Nhóm công tác vận tải hàng không - ATWG), để tiết kiệm thời gian, tài chính và đạt hiệu quả cao hơn, nhưng đề xuất này chưa được thông qua.
Năm 2008, nhóm công tác chuyên ngành về Logistics và giao thông vận tải (Logistics and Transport Sectoral Working Group) đã được lập ra trong CCS nhằm đẩy mạnh việc tự do hoá, mở cửa dịch vụ Logistics và các phân ngành khác ngoài dịch vụ vận tải biển, tuy vậy việc mở rộng thêm các nhóm công tác trong CCS sẽ phát sinh đến việc cần bố trí thêm nhân lực tham gia đàm phán, cần tăng cường vai trò của cơ quan điều phối, trong khi quan trọng hơn là làm thế nào nâng cao tính hiệu quả của công tác đàm phán để đạt được các cam kết theo lộ trình trong dịch vụ vận tải biển nói riêng cũng như các ngành dịch vụ nói chung. Tuy vậy, mới đây nhất vào tháng 4/2009, Hội nghị đặc biệt của Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN đã quyết định nhập hai nhóm công tác chuyên ngành về vận tải biển (Maritime Transport Sectoral Working Group) và Nhóm công tác chuyên ngành về Logistics và giao thông vận tải thành nhóm công tác mới có tên là Nhóm công tác chuyên ngành về Logistics và Dịch vụ GTVT (Logistics and Transport Services Sectoral Working Group (LTSSWG).
IV. Hội nhập kinh tế quốc tế trong vận tải mặt đất
Hai dự án trọng điểm trong lĩnh vực này là Dự án Đường sắt Singapore – Côn Minh (SKRL) và Dự án Mạng đường bộ ASEAN (AHN).
(1) Hoàn thành việc phát triển các đoạn chưa có đường của Tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh.
Tuyến đường SKRL dự kiến chạy từ Singapore, qua Malaysia, Mi-an-ma, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam, trước khi kết thúc tại Côn Minh (Trung Quốc). Để thực hiện mục tiêu này, các nước ASEAN đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu khả thi cũng như xây dựng các đoạn chưa có đường. Đoạn từ Poipet đến Sisophon (thuộc Campuchia) với đường ray do Malaysia tài trợ và chi phí xây dựng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2009. Việc hoàn thành đoạn đường này sẽ cho phép nối liền Singapore với thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Về đoạn đường sắt nối Thái Lan và Mi-an-ma, nghiên cứu khả thi đã được hoàn thành với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án nghiên cứu xây dựng đoạn đường 225 km nối liền Phnom Penh với Lộc Ninh ở biên giới Việt Nam – Căm-pu-chia đã được phía Trung Quốc tài trợ và thực hiện xong. Nghiên cứu khả thi về đoạn chưa có đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Lộc Ninh đã hoàn thành. Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định về điểm nối ray giữa hai nước. Việt Nam cũng đang tích cực tìm nguồn vốn cho dự án SKRL – các đoạn trên lãnh thổ Việt Nam.
Khó khăn hiện nay trong việc thực hiện xây dựng các đoạn chưa có đường của dự án SKRL là vấn đề tìm nguồn vốn đầu tư. Malaysia, nước điều phối về Dự án này cũng đã và đang thực hiện các biện pháp để thúc đẩy việc đầu tư xây dựng như hoàn tất băng video về hiện trạng của dự án SKRL, với các thông tin về các đoạn chưa có đường sắt và các đường nhánh dùng làm phương tiện thông tin, tạo cơ hội thu hút đầu tư; tổ chức các Hội nghị và Triển lãm SKRL.
(2). Hoàn thành việc thực hiện dự án Mạng đường bộ ASEAN, cụ thể là xây dựng/nâng cấp các đoạn dưới cấp III thuộc các Tuyến vận tải quá cảnh.
Để tăng cường hợp tác nhằm phát triển mạng đường bộ xuyên ASEAN, các nước thành viên ASEAN đã ký văn bản Thoả thuận cấp Bộ trưởng GTVT về phát triển mạng đường bộ ASEAN nhân dịp Hội nghị ATM 5 (tháng 9/ 1999 tại Hà Nội). Đây là bản thoả thuận có tính chất ghi nhớ, không có tính chất ràng buộc pháp lý chặt chẽ như một Hiệp định, có hiệu lực từ ngày ký và không cần có sự phê chuẩn hoặc phê duyệt của các nước thành viên. Theo đó, các nước thành viên ASEAN thoả thuận hình dạng của mạng đường bộ ASEAN gồm các tuyến đường bộ được từng nước thành viên chỉ định tham gia. Trên cơ sở đó, phối hợp việc khôi phục và nâng cấp các tuyến đường bộ quốc gia của mình trong mạng đường bộ ASEAN theo đúng các tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế kỹ thuật tối thiểu đã được khuyến nghị.
Mục tiêu chung của dự án là phát triển mạng lưới giao thông xuyên ASEAN thành các trục đường chính hoặc các hành lang chủ yếu để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và từng bước tham gia vào việc lưu chuyển hàng hoá và hành khách trong ASEAN; hình thành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ ASEAN theo tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất giữa các nước ASEAN, đồng thời đưa ra các dự án ưu tiên mang ý nghĩa khu vực nhằm huy động vốn đầu tư, thông qua đó thúc đẩy việc hợp tác quốc tế và khu vực, tạo thành mối liên kết đường bộ trong nội bộ ASEAN.
Về nguyên tắc, các tuyến đường tham gia mạng đường bộ ASEAN của mỗi nước là: (i) phải đi qua các thành phố lớn hoặc khu vực có tiềm năng kinh tế đồng thời có thể nối liền với các cảng biển; (ii) có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đối cao để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, nhất là vận chuyển hàng quá cảnh và vận chuyển liên quốc gia; (iii) phải có khả năng liên kết và đi qua nhiều nước, nối kết với các nước láng giềng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và du lịch.
Mạng đường bộ ASEAN có chiều dài hơn 38.400 km, bao gồm 23 tuyến đường khác nhau của 10 nước ASEAN. Việc khôi phục và nâng cấp các tuyến đường bộ tham gia mạng đường bộ ASEAN dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Trên cơ sở mạng đường bộ ASEAN được hình thành, các nước thành viên ASEAN sẽ chỉ định một số tuyến đường là tuyến vận tải quá cảnh giữa các nước ASEAN. Tại Hội nghị ATM 12 (tháng 2/2007 tại Băng-cốc, Thái Lan), các Bộ trưởng GTVT ASEAN đã ký Nghị định thư 1 (Chỉ định các Tuyến vận tải Quá cảnh và các Phương tiện Kỹ thuật có liên quan) của Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh.
Về chủ trương, Việt Nam đã và đang tích cực trong thực hiện Thoả thuận của các Bộ trưởng GTVT về phát triển mạng đường bộ ASEAN, thực hiện việc khôi phục, nâng cấp các tuyến đường bộ quốc gia trong mạng đường bộ ASEAN theo các tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế kỹ thuật tối thiểu, tuy vậy vấn đề chính vẫn là nguồn vốn cho đầu tư xây dựng mới còn hạn chế, cũng như vốn dành cho duy tu bảo dưỡng còn rất hạn hẹp.
V. Tạo thuận lợi cho vận tải
Nhóm công tác Tạo thuận lợi Vận tải (TFWG) được thành lập để xem xét các hoạt động hợp tác trong khu vực liên quan đến tạo thuận lợi vận tải/quá cảnh để đảm bảo việc di chuyển hàng hoá được thuận tiện, ngoài ra là các biện pháp liên quan đến vận tải trong Lộ trình Hội nhập Dịch vụ Logistics ASEAN, đặc biệt là liên quan đến việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng vận tải đa phương thức, đẩy mạnh các chương trình tạo thuận lợi vận tải, tăng cường năng lực của những nhà cung cấp dịch vụ logistics ASEAN.
Đến nay, hai Hiệp định về tạo thuận lợi đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho Hàng hoá Quá cảnh và Hiệp định khung ASEAN về Vận tải Đa phương thức. Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi Vận tải liên quốc gia hiện đã được các nước thành viên (trừ Mi-an-ma chưa hoàn tất thủ tục nội bộ) ký tại Hội nghị ATM 14 (tháng 11/2008 tại Philippines).
Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho Hàng hoá Quá cảnh đã có hiệu lực vào tháng 10/2000 những hiện vẫn chưa thực hiện được. Do 6 trong số 9 Nghị định thư thực hiện đã được ký, nhưng Nghị định thư số 2 (Chỉ định Trạm cửa khẩu biên giới) và Nghị định thư số 6 (Cửa khẩu đường sắt và trạm trung chuyển đường sắt), Nghị định thư số 7 (Hệ thống Hải quan Quá cảnh) vẫn chưa được ký. Tại cuộc họp Các quan chức cấp cao GTVT ASEAN lần thứ 21 (STOM 21- tháng 5/2006 tại Băng cốc, Thái Lan), các nước đã thống nhất tạm hoãn việc đàm phán Nghị định thư 6 cho đến khi tất cả các đoạn chưa có đường/đường nhánh của Tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh được hoàn thành. Đối với Nghị định thư số 2 và 7, STOM đã nhiều lần thúc giục cơ quan ASEAN liên quan là Hội nghị các quan chức Hải quan ASEAN sớm hoàn thành 2 Nghị định thư này để Hiệp định có thể thực hiện được. Đây cũng là một trở ngại trong việc thực hiện Hiệp định do còn phụ thuộc vào kết quả làm việc của Hội nghị các quan chức Hải quan ASEAN. Hiện nay, theo Hiến chương ASEAN, cơ quan Hải quan và cơ quan Giao thông vận tải là hai cơ quan thuộc Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Vì vậy, cơ quan điều phối thuộc Hội đồng này của từng nước ASEAN (trong trường hợp của Việt Nam là Bộ Công Thương) cũng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết hai nghị định thư nói trên.
Mặt khác, Hiệp định khung ASEAN về Vận tải Đa phương thức đã được ký tại Hội nghị ATM 11 (tháng 11/2005 tại Viên chăn, Lào). Việc ký Hiệp định này tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá từ cửa tới cửa trong ASEAN, sử dụng các phương thức vận tải khác nhau dưới cùng một chứng từ vận tải duy nhất. Hiệp định cũng tạo khung chính sách chung cho việc chuyên môn hoá và phù hợp hơn nữa của những nhà giao nhận và người kinh doanh vận tải đa phương thức trong khu vực, tạo điều kiện giảm chi phí. Nhóm công tác TFWG đang cố gắng xúc tiến sớm thực hiện Hiệp định bằng việc tổ chức một diễn đàn với Hiệp hội Giao nhận ASEAN, song song với các cuộc họp của Nhóm công tác. Diễn đàn là nơi để hai bên chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN trong quá trình dự thảo pháp luật về vận tải đa phương thức của nước mình.
VI. Hợp tác với các nước đối thoại.
Để tiến tới một cộng đồng kinh tế ASEAN với tiêu chí là khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, không thể không coi trọng hợp tác giữa ASEAN với các nước, khu vực đối thoại. ASEAN đã mở rộng hợp tác với các nước, khu vực đối thoại như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Úc-Niu-Di-Lân...và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCAP, IMO... Hiện nay các hoạt động hợp tác với các nước, tổ chức đối thoại chủ yếu là giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc, ADB... Trong khuôn khổ bài viết này chỉ giới thiệu sơ lược về hợp tác ASEAN – Trung Quốc và ASEAN - Nhật Bản trong lĩnh vực GTVT.
(1) Hợp tác ASEAN – Trung Quốc
Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN – Trung Quốc họp mỗi năm một lần, hội nghị các quan chức GTVT ASEAN-Trung Quốc họp mỗi năm hai lần. Lúc đầu hợp tác giữa ASEAN-Trung Quốc tập trung vào các ngành hàng hải và đường sông, sau này mở rộng thêm về đường bộ và hàng không, chủ yếu thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn. Trong thời gian gần đây Trung Quốc tổ chức một số khóa đào tạo ngắn hạn cho các nước ASEAN trong lĩnh vực quản lý giao thông, phát triển cảng biển, tìm kiếm cứu nạn...
ASEAN và Trung Quốc đã ký Bản thỏa thuận về hợp tác GTVT (tháng 11/2004 tại Viêng Chăn, Lào). Bản thỏa thuận này nhằm tăng cường việc trao đổi chính sách và thông tin giữa hai bên, cũng như thực hiện các dự án và hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng KCHT GTVT; tạo thuận lợi cho GTVT; An toàn và an ninh hàng hải; Vận tải hàng không; Phát triển nguồn nhân lực.
Giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Hiệp định hàng hải vào tháng 11/2007, hiệp định này mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa kinh tế. Trung Quốc cũng đang muốn sớm đàm phán, ký Hiệp định khung về vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc. Trong hợp tác giữa ASEAN-Trung Quốc, các nước ASEAN mong muốn đề xuất Trung Quốc giúp đỡ trong việc phát triển mạng đường bộ ASEAN và đường sắt Singapore – Côn Minh tuy vậy việc triển khai chưa có kết quả gì lớn, do Trung Quốc coi việc hợp tác chủ yếu mang tính chính trị.
Tại các Hội nghị ASEAN-Trung Quốc, đoàn Trung Quốc thường đi sâu về trình bày, quảng bá các thành tích phát triển GTVT của Trung Quốc cũng như đưa ra nhiều khẩu hiệu và đề xuất hợp tác với ASEAN. Trung Quốc - với vai trò là một cường quốc mới nổi về kinh tế, ngày càng khẳng định vị trí của mình đối với ASEAN, cả về kinh tế lẫn chính trị. Từ sau năm 2000, Trung Quốc thay đổi thay đổi thái độ, từ thụ động sang chủ động, tích cực tham gia hợp tác vào khu vực hơn trong GTVT nói riêng và trong tất cả mọi lĩnh vực nói chung.
(2) Hợp tác ASEAN – Nhật Bản
Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị các quan chức GTVT ASEAN – Nhật Bản cũng có cơ chế họp như với Trung Quốc. Về nội dung, khác với Trung Quốc, hợp tác ASEAN - Nhật Bản được tiến hành một cách thực chất, Nhật Bản tài trợ trực tiếp cho các dự án. Hiện nay giữa ASEAN và Nhật Bản có 21 dự án hợp tác về GTVT, tập trung vào các lĩnh vực: Tạo thuận lợi cho vận tải hàng hoá và logistics; đường bộ; hàng hải; hàng không; đào tạo và trao đổi thông tin. Trên cơ sở các dự án hợp tác ASEAN-Nhật Bản, Nhật Bản thường tổ chức gặp gỡ ở cấp STOM để đề ra kế hoạch công tác cho từng năm thực hiện dự án và đề nghị bổ sung các dự án mới.
Trong các dự án hợp tác GTVT ASEAN - Nhật Bản có nhiều dự án được triển khai tốt, trong đó có kế hoạch cải thiện logistics và nội dung hợp tác về kế hoạch hành động an ninh hàng hải và hàng không ASEAN - Nhật Bản. Tại ATM 12 (tháng 2/2007 tại Băng cốc, Thái Lan), Tuyên bố chung về an ninh GTVT ASEAN-Nhật Bản đã được thông qua, trong đó nêu rõ hai bên sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn ngừa các hành động khủng bố chống lại các phương thức vận tải, chú trọng việc giúp đỡ xây dựng năng lực, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, hàng không và đường bộ dựa trên các công ước quốc tế. Nhìn chung Nhật Bản chú trọng đến hiệu quả kinh tế của hợp tác.
Vừa qua, Nhật Bản đã quyết định thông qua Quỹ hội nhập Nhật Bản – ASEAN (JAIF) viện trợ 20 triệu USD cho các nước CLMV, trong khuôn khổ hợp tác Mêkông - Nhật Bản, để phát triển hạ tầng mềm hành lang kinh tế Đông – Tây hiện nay và hành lang kinh tế Đông- Tây thứ 2 từ TP. Hồ Chí Minh- Phnôm Pênh- Băng Cốc. Nhật Bản đã xem xét hỗ trợ 2,3 triệu USD để hình thành một Trung tâm đào tạo dịch vụ logistics của tiểu vùng Mêkông ở Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực dịch vụ vận tải, tiếp vận của tiểu vùng Mêkông. Trong thực tế, do trình độ về logistics của các nước CLMV còn thấp nên việc xây dựng một Trung tâm đào tạo nâng cao năng lực về dịch vụ logistics là rất cần thiết cho những nước như CLMV. Mặt khác, yêu cầu về tạo thuận lợi cho vận tải hàng hoá và logistics đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn, vì vậy việc hình thành Trung tâm nói trên cũng là gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Nhật Bản tại CLMV nói riêng và ASEAN nói chung.
Kết luận
Nhìn chung, trong lĩnh vực giao thông vận tải, các nước ASEAN hiện nay đã và đang hành động để tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh ASEAN đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Các nước cần nỗ lực nhiều hơn để hướng tới việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, dự án, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực GTVT ASEAN, đặc biệt là cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics hiệu quả cũng như chú trọng an ninh, an toàn GTVT. Việc tăng cường hợp tác nội khối và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại và các tổ chức quốc tế cũng là công việc quan trọng trong thời gian tới của các nước thành viên ASEAN.
Trong qúa trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; thực hiện nguyên tắc độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia kết hợp với việc vận dụng nguyên tắc đồng thuận và hợp tác bình đẳng của ASEAN, nhất là trong quá trình đàm phán, ký kết các Hiệp định, văn bản hợp tác GTVT. Qua đó vừa đảm bảo được sự nhất trí giữa các nước thành viên, vừa đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực GTVT. Cho đến nay, ta đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác GTVT ASEAN trên 5 lĩnh vực GTVT, đã tham gia tích cực các hội nghị về GTVT của ASEAN. Việt Nam đang có vai trò và uy tín cao trong hợp tác GTVT ASEAN.
Từ khi còn bỡ ngỡ bắt đầu tham gia ASEAN, đến nay Việt Nam đã vươn lên chủ động đề xuất và tích cực thực hiện các dự án hợp tác khu vực, trong đó nổi bật là việc thực hiện hợp tác hàng không, vận tải biển và phát triển mạng đường bộ ASEAN. Việc tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam có cơ hội cho ngành GTVT học tập, chia sẻ kinh nghiệp và tiếp triểnn cận khoa học công nghệ mới áp dụng vào phát triển GTVT của Việt Nam. Qua đó, trình độ ngoại ngữ và kỹ thuật đàm phán đa phương của cán bộ ngành GTVT đã được nâng lên rõ rệt. Trong lĩnh vực GTVT, Việt Nam đã và đang tập trung vào thực hiện 48 dự án và hành động, trong đó có một số chương trình quan trọng như chương trình hội nhập và tự do hoá vận tải hàng không ASEAN, chiến lược và chương trình hành động an toàn giao thông đường bộ ASEAN và các dự án lớn như phát triển mạng đường bộ ASEAN, dự án đường sắt Singapore- Côn Minh... Việc tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các dự án trên sẽ nâng cao hiệu quả của hợp tác và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN.
Việt Nam cũng còn những tồn tại, khó khăn như kết cấu hạ tầng GTVT chưa phát triển đồng bộ, hệ thống pháp lý liên quan tới GTVT còn chưa hoàn thiện, các loại hình dịch vụ vận tải chưa phát triển và chưa có sự phối hợp tốt. Nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành GTVT còn trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước, chưa mạnh dạn mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ.
Các chương trình hành động, dự án hợp tác trong lĩnh vực GTVT ASEAN được đưa khá nhiều, vì vậy các nước và Việt Nam cũng cần nỗ lực nhiều hơn để hướng tới việc tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thực thi chương trình hành động, dự án, thoả thuận ... đặc biệt là cần đẩy mạnh trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho GTVT, phát triển vận tải đa phương thức, chú trọng an ninh, an toàn GTVT. Tăng cường hợp tác nội khối và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa ASEAN với các nước đối thoại và các tổ chức quốc tế là công việc quan trong trong thời gian tới của các nước thành viên ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Vụ Hợp tác quốc tế