Dù là buổi chiều, con đường Dongzong, quận Bình Sơn, TP Thâm Quyến (Trung Quốc) chìm dưới màn sương mờ đục. Đây không phải cảnh tượng sương khói mờ ảo tự nhiên mà là khói bụi kết dày đặc, thường xuyên xảy ra tại Thâm Quyến - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đó là lý do vì sao, thành phố này đặt mục tiêu nhanh chóng loại bỏ xe cá nhân chạy bằng năng lượng diesel/xăng và cả xe buýt phát thải cao.
Hành khách trên xe buýt điện tại Thâm Quyến
Đô thị đầu tiên có toàn bộ xe buýt chạy bằng điện
Hiện, đã có hơn 14.000 xe buýt chạy điện được triển khai trên đường phố Thâm Quyến biến thành phố này đi trước không chỉ Thủ đô Bắc Kinh, TP Hàng Châu, Nam Kinh mà còn cả các thành phố lớn nổi tiếng về xe điện như: Paris (Pháp), Oslo (Na Uy) và London (Anh) về xe buýt điện.
Các phương tiện tại Trung Quốc phát thải 44,7 triệu tấn khí thải trong năm 2016, theo thống kê từ Bộ Bảo vệ môi trường nước này. Hãng sản xuất xe điện lớn nhất là BYD - viết tắt của cụm từ “build your dream” (tức là xây dựng ước mơ) là nguồn cung 80% xe buýt điện đang được sử dụng tại Thâm Quyến, phần còn lại do các công ty khác của Trung Quốc chế tạo.
Trên đường phố Bình Sơn, nơi có trụ sở của BYD, xe đạp và xe kéo chạy song song với những chiếc xe buýt điện bóng loáng do công ty này sản xuất.
Loại bỏ xe buýt chạy bằng diesel, các nhà khai thác ước tính sẽ cắt giảm khí thải carbon dioxide khoảng 400.000 tấn/năm và các loại khí thải khác như carbon monoxide và sulphur dioxide, khoảng 2.000 tấn/năm. Thâm Quyến đặt dấu mốc năm 2020, hoàn thiện mục tiêu “xanh hóa” hệ thống giao thông thành phố. Đó là hệ thống taxi hoàn toàn bằng điện, tương đương như Bắc Kinh.
BYD là một trong những nhà sản xuất đầu tiên đề xuất kế hoạch điện hoá xe buýt cho Trung Quốc từ năm 2010. Từng sản xuất pin từ năm 1995, công ty đã cho ra đời nhiều loại phương tiện năng lượng mới (NEV) - một cụm từ Bắc Kinh sử dụng để mô tả phương tiện chạy bằng điện hoặc lai điện.
Chia sẻ về quãng thời gian từ những ngày đầu đưa xe điện ra đường phố, Giám đốc quan hệ công chúng, Phòng Doanh số phương tiện thương mại của BYD, ông Xiao Haiping nhớ lại: “Ở những ngày đầu, con đường (phát triển xe điện) quá gập ghềnh khi công nghệ mới đối mặt với hoài nghi”.
Hiện nay, trụ sở chính của BYD tại Bình Sơn rộng 1,8 triệu m2, bao gồm nhiều phòng thí nghiệm, nhà xưởng và phòng nghỉ cho nhân viên. Xe buýt điện đầu tiên của BYD được thử nghiệm vào năm 2011, có 4 cụm giá đỡ pin lớn nên không có nhiều không gian cho hành khách. Các thiếu sót khác bao gồm chặng đường đi hạn chế, tốc độ thấp.
Bước ngoặt với xe điện của BYD bắt đầu vào năm 2014, khi giới chức thông báo một loạt các chính sách hỗ trợ phát triển của xe năng lượng mới. Trong chiến lược “Made in China 2025” - một kế hoạch để cải thiện ngành sản xuất của đất nước, NEV được xác định là 1 trong 10 lĩnh vực chính được chính phủ hỗ trợ.
Tính đến năm 2016, BYD đã vượt qua Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia và 200 thành phố. Cuối năm 2015, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến khi đó là ông Mã Hưng Thụy đã gia hạn cuối cùng cho 3 nhà khai thác: Shenzhen Bus Group (SBG), Shenzhen Eastern Bus Company và Shenzhen Western Bus Company: 3 năm để điện hóa toàn bộ dàn xe buýt của thành phố.
“Quyết định đó vừa gây áp lực vừa tạo động lực”. Ở thời điểm đó, một phần trong số xe điện của chúng tôi không được bảo trì kỹ càng và không thể thay thế vì thiếu ngân sách. Việc thúc đẩy dàn xe điện và các chính sách sau đó đã tạo cơ hội cho chúng tôi làm mới toàn bộ 5.300 chiếc xe điện. SBG hoàn thành việc chuyển đổi sang xe điện từ tháng 6 năm nay, cán đích trước thời hạn khoảng 1 năm”, ông Ji Chilong, Phó giám đốc điều hành của SBG cho biết.
Giải quyết thách thức như thế nào?
Nhờ sự phát triển của công nghệ, hầu hết những thiếu sót trong hoạt động của các phương tiện chạy bằng điện đời đầu đều đã được giải quyết nhưng vẫn còn tồn đọng 2 vấn đề lớn đó là: Chi phí quá đắt và việc triển khai, bố trí các hệ thống sạc.
Trước hết, tiền không phải là vấn đề quá lớn tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như Trung Quốc. Và cùng với việc đầu tư hàng tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển, các cơ quan Trung Quốc đã ủng hộ các chính sách trợ cấp mua xe điện hào phóng, với mức hỗ trợ tới 40% giá trị xe điện.
Ngay cả khi nhận được hỗ trợ lớn, SBG ước tính, xe Phó giám đốc điều hành của SBG điện vẫn có giá 1,8 triệu nhân dân tệ (tương đương 272.000 USD), do đó Thâm Quyến và Chính phủ Trung ương không đồng ý đưa thêm một khoản hỗ trợ 500.000 nhân dân tệ/chiếc.
Hơn nữa, SBG còn đàm phán một thỏa thuận cho phép trả góp chi phí mua xe buýt trong 8 năm. Một lợi ích khác từ xe buýt điện, đó là chi phí hoạt động rẻ hơn xe diesel và các nhà khai thác được trợ cấp 420.000 nhân dân tệ đối với một xe buýt loại dài 12m để trang trải chi phí hoạt động.
Một vấn đề khác khiến Thâm Quyến có thể đi trước Bắc Kinh và các thành phố lớn khác trên thế giới về xe buýt điện đó là hạ tầng sạc. Không ngần ngại, chính quyền thành phố mở hầu bao, treo giải cao để thu hút các nhà cung cấp giải pháp hạ tầng sạc. Theo một số báo cáo, thành phố này có tới 277 trạm sạc và hơn 28.000 ống sạc (ở nhiều tốc độ khác nhau).
Khi tài chính không còn là vấn đề, các nhà sản xuất và khai thác đã sử dụng trí tưởng tượng để quảng cáo và thúc đẩy xe buýt điện. Để loại bỏ nghi ngại về rủi ro hành khách bị ảnh hưởng từ pin xe điện, BYD đã mời giới truyền thông tới một phòng thí nghiệm, cung cấp máy dò và cho họ xem tần số điện từ vẫn nằm trong mức độ an toàn.
Công ty xe buýt Shenzhen Eastern cho 10 cặp đôi là nhân viên của công ty mặc váy cưới và áo vest, diễu hành xung quanh thành phố trên xe buýt điện, thu hút sự chú ý từ dư luận và đưa hình ảnh xe điện gần gũi hơn với cuộc sống người dân.