Trung Quốc bỏ rào cản, chạy đua phát triển ô tô điện thông minh

Thứ tư, 28/02/2018 11:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với mục tiêu dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giới chức Trung Quốc đang tạo điều kiện hết sức có thể để phát triển phương tiện thông minh nhằm bắt kịp với các cường quốc khác trên cùng đường đua. Dấu hiệu mới nhất là Bắc Kinh vừa trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc “bật đèn xanh” mở đường thử nghiệm ô tô tự lái.

Bắc Kinh là thành phố đầu tiên “bật đèn xanh” cho xe tự lái

Bối cảnh của siêu cường Mỹ

Nhìn nhận xe tự lái là phương tiện giao thông của tương lai, nhiều cường quốc trên thế giới như: Mỹ, Trung, Pháp, Anh... đã linh hoạt xây dựng chính sách, khung pháp lý để tạo điều kiện cho nghiên cứu, phát triển các loại phương tiện tự lái, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI).

Đặc biệt, tại Mỹ, hơn 24 bang đã ban hành luật về phương tiện tự lái. Cục ATGT Đường bộ Quốc gia (NHTSA) công nhận 6 mức độ công nghệ tự động: Mức độ từ 0 - 3 yêu cầu sự can thiệp của con người trong khi đó mức độ từ 4 - 5 không đòi hỏi bàn tay điều khiển của tài xế.

Hiện nay, các nhà lập pháp Washington đang cân nhắc dự luật mang tên AV (Autonomous Vehicle) Start đưa ra hệ thống giám sát phương tiện tự động của liên bang một cách gọn nhẹ, ngăn chặn các bang tự thông qua quy định an toàn gây khó dễ cho việc phát triển AV.

Quá trình này dự kiến có thể mất tới hàng năm và đang "tắc" tại Thượng viện Mỹ. Trong quá trình chờ đợi, các nhà phát triển có thể thử nghiệm, thậm chí đưa ra thị trường trước khi các quy định liên bang cụ thể được thông qua.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Mỹ sẽ thu thập ý kiến cộng đồng về cách thức áp dụng công nghệ tự lái đối với xe buýt thành phố, xe buýt đường dài và hệ thống trung chuyển.

Bộ này cũng công bố các hướng dẫn về ô tô tự lái đã được sửa đổi trong mùa hè tới, xóa bỏ các chính sách lỗi thời và những rào cản đối với loại xe hiện đại này.

Trung Quốc muốn rút ngắn khoảng cách

Để bắt kịp Mỹ, Trung Quốc đang thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ và hướng dẫn cụ thể đối với phương tiện tự lái, vì nước này hiểu họ đang bị tụt hậu trên “mặt trận” pháp lý - nhà phân tích đến từ Công ty Tư vấn TrendForce, Yvette Lin, làm việc tại Đài Bắc, Đài Loan nhận định.

“Chúng tôi đang xây dựng các khu vực thử nghiệm và đưa ra hướng dẫn thực hiện chạy thử trên đường phố thực”, Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc Lý Tiểu Bằng khẳng định trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Theo ông Lý, Trung Quốc đang nghiên cứu về công nghệ tự lái trên nhiều loại phương tiện như tàu biển, tàu hỏa và ô tô. Ngoài việc Bắc Kinh vừa đi đầu “bật đèn xanh” cho phép thử nghiệm xe tự động lái trên đường phố, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc cũng công bố kế hoạch trong thời gian 3 năm vào tháng 12/2017, xác định việc phát triển xe ô tô thông minh là ưu tiên quốc gia.

Theo nhà phân tích Lin, cùng với phát triển các khu vực thử nghiệm xe ô tô thông minh tại các thành phố như: Thượng Hải, Hàng Châu, Trùng Khánh và Vũ Hán, nhiều thành phố dự kiến cũng theo chân Bắc Kinh để nới lỏng quy định thử nghiệm trên đường bộ trong nửa đầu năm nay.

Bà Lin cho rằng, việc nới lỏng các quy định là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành tự động lái còn non yếu. Một phần được tạo điều kiện, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp ở nước ngoài đến Trung Quốc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển ô tô tự lái tại Trung Quốc..

Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp về công nghệ tự động lái Pony.ai và JingChi đã chuyển trụ sở của họ từ Thung lũng Silicon (Mỹ) về Quảng Châu (Trung Quốc).

Cả hai công ty vừa thực hiện nhiều thử nghiệm xe tự lái tuần qua và có kế hoạch công bố dịch vụ taxi rô-bốt vào cuối năm nay, cho phép người dùng có thể gọi xe tự lái thông qua ứng dụng đặt xe như: Uber, Grab.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)