Giới chức Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 khi nhiều quan chức cấp cao TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông tuyên bố sẵn sàng đi thử taxi bay dù đó là phương tiện không có người lái và còn nhiều nghi ngại về vấn đề an toàn.
Taxi bay Ehang được đưa vào thử nghiệm chở người
Bạo dạn lên taxi bay không người lái
Tại Quảng Châu, đầu tháng 2 vừa qua, khoảng 40 người bao gồm Phó thị trưởng Quảng Châu - ông Wang Dong đã xếp hàng để ngồi lên một phương tiện giao thông tương lai được gọi là taxi bay không người lái. Chuyến bay còn có sự góp mặt của nhiều quan chức địa phương như ông Zhang Jianhua, Phó bí thư Thành ủy, Liu Yumei - Giám đốc Phòng Du lịch TP Quảng Châu.
Trong sự kiện lần này, chiếc taxi bay có tên Ehang 184 do Công ty Ehang (Trung Quốc) thiết kế và chế tạo đã chở hành khách trên chuyến bay khứ hồi dài 15km, có lúc đạt tốc độ tới 130km/h.
Người sáng lập, Giám đốc điều hành Ehang - Hu Huazhi cho biết: Chuyến bay sẽ mang đến cho các bạn cảm giác như được di chuyển vào tương lai, trong một bộ phim khoa học - viễn tưởng. Nhưng đó là sự thực. “Phương thức hoạt động của taxi bay rất đơn giản, dễ dàng và ổn định. Tôi đã trải nghiệm nhiều hành trình trên trực thăng nhưng không có cảm giác nào như trên phương tiện này”, ông Hu nói.
Để sử dụng máy bay không người lái của Ehang, hành khách sẽ đưa lịch trình chuyến bay vào hệ thống kiểm soát, nhấn nút và phương tiện sẽ đưa bạn đến tận nơi. Hiện nay, taxi bay sử dụng động cơ điện có tầm bay rất hạn chế nhưng Ehang khẳng định, phương tiện của họ đủ ổn định để bay trong mưa bão, kể cả điều kiện gặp lốc xoáy cường độ vừa. Trong trường hợp hệ thống lái tự động gặp vấn đề, phi công tại trung tâm điều khiển có thể chịu trách nhiệm kiểm soát máy bay từ xa.
Công ty Trung Quốc chưa công bố khung thời gian chính xác sẵn sàng đưa vào sử dụng Ehang 184. Có thông tin công ty này dự định sử dụng máy bay không người lái này để cung cấp dịch vụ taxi bay nhưng chưa có chi tiết cụ thể được tiết lộ.
Ehang cung cấp mẫu taxi bay không người lái lần đầu tiên tại Triển lãm Thương mại điện tử CES ở Las Vegas vào năm 2016 - thời điểm mà ý tưởng về máy bay không người lái chở khách tưởng chừng chỉ có trong mơ.
Ehang đang chuẩn bị để đưa thêm bộ kiểm soát bằng tay lên phương tiện này, cho phép hành khách có bằng phi công có thêm lựa chọn trực tiếp điều khiển. “Tôi tin rằng, đây sẽ là phương tiện giao thông an toàn mà mọi người có thể sử dụng trong tương lai”, ông Hu nói.
Thể hiện quyết tâm dẫn đầu cách mạng 4.0
Việc thực hiện thành công chuyến bay trên đánh dấu bước tiến mới trong cuộc đua tìm ra phương thức vận chuyển thay thế mà nhiều nước trên thế giới đang đổ xô cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường.
Sự bạo dạn của giới chức Quảng Châu khi dám bước lên phương tiện thử nghiệm này trong khi vẫn còn nhiều người nghi ngờ tính an toàn của nó cho thấy, họ rất tích cực thúc đẩy phát triển phương tiện này để đưa Trung Quốc vượt mặt phương Tây sớm đón đầu công nghệ vận tải tương lai.
Thực tế, trên toàn thế giới, đến nay, chưa có ai dám chắc rằng thời điểm hiện tại là lúc để phát triển vận tải hàng không tự động như ô tô bay hay máy bay không người lái. Giám đốc nghiên cứu toàn cầu về trí thông minh nhân tạo và dữ liệu tại IDC Chua Chwee Kan cho rằng:
“Chưa thể đưa các thiết kế loại này vào phục vụ thị trường đại chúng. Đồng thời, thế giới vẫn chưa có quy định cụ thể đối với lĩnh vực này. Hãy nghĩ đến lượng nhiên liệu cần dùng, lượng tiếng ồn phát sinh từ các phương tiện đó. Hiện tại, mới quản lý máy bay không người lái thông thường, giới chức trách đã rất đau đầu rồi”.
Dù vậy, theo nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn đầu tư Automobility, ông Bill Russo, Trung Quốc là nước rất hào hứng với những sáng kiến mới. “Chúng ta cần một nơi trên thế giới, ở đó bạn có thể mơ giấc mơ lớn và hy vọng đạt được điều gì đó trong thời gian hợp lý. Với những biểu hiện trong thời gian gần đây, có thể nói, nơi đó chính là Trung Quốc”, ông Russo nói.
Trên thị trường phương tiện vận tải tương lai lúc này, Ehang phải cạnh tranh với các công ty như Volocopter của Đức đã phát triển thành công taxi bay mang tên Volocopter 2X với 18 rotor.
Uber đang hướng đến chế tạo ô tô có thể bay, dự định ra mắt dịch vụ taxi bay đón trả khách không cần phi công tính đến thời điểm trước năm 2020. Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư mới đây, Giám đốc Điều hành (CEO) Uber Dara Khosrowshahi hoàn toàn tự tin về tiềm năng thương mại hóa của dịch vụ taxi bay Uber Air trong tương lai từ 5-10 năm nữa.