Công ty cung cấp phần mềm đặt taxi qua điện thoại Uber đã gần đi tới kết thúc thỏa thuận bán doanh nghiệp cho Grab tại Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa, Uber đang dần rút khỏi thị trường do họ khởi xướng nhưng đã quá cạnh tranh này, chỉ thu lợi nhuận và tập trung sang các mảng tiềm năng khác.
Phương tiện Grab tại Singapore
Uber bán cho Grab, đổi lấy 30% cổ phần
Theo một nguồn thạo tin, trong thỏa thuận mua bán này, Uber sẽ bán hoạt động của mình tại Đông Nam Á và đổi lấy 30% cổ phần tại Grab (gần đây đã được định giá khoảng 6 tỉ USD). Cấu trúc thỏa thuận gần giống với thỏa thuận mà Uber đã ký với Didi Chuxing tại Trung Quốc vào năm 2016 khi công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) này bán hoạt động tại địa phương để đổi lấy cổ phần cho đối thủ Trung Quốc. Mặt khác, Grab cũng đang bàn luận với các nhà hỗ trợ hiện nay bao gồm Tập đoàn SoftBank cùng các nhà đầu tư mới, nguồn tin giấu tên cho biết.
Như vậy, với người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan, động thái này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến sống còn giành vị trí thống trị trong thị trường gọi xe đang phát triển rất nhanh tại Đông Nam Á với 620 triệu người dùng các ứng dụng.
Còn với Giám đốc điều hành mới của Uber là Dara Khosrowshahi, đây là bước tiến của ông để xốc lại tài chính của công ty chuẩn bị cho dự án mới trong năm tới khi họ đã đốt tới 10,7 tỉ USD sau 9 năm thành lập. Ông Khosrowshahi đã bỏ ngỏ tín hiệu trong chuyến thăm châu Á hồi tháng trước rằng, Uber sẽ bám trụ tại các thị trường chính như Nhật Bản và Ấn Độ.
Độc quyền và hệ lụy
Giả sử thỏa thuận trôi chảy, Grab gần như trở thành độc quyền trong khu vực, chỉ phải cạnh tranh với một vài đối thủ nhỏ tại địa phương, trong đó mạnh nhất là Go-Jek của Indonesia.
Nếu xét từ góc độ kinh tế, công ty nào độc quyền sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. “Toàn bộ yêu cầu đặt xe đều gần như qua một nhà khai thác đủ khả năng cung ứng”, ông Jochen Krauss, đối tác quản lý tại công ty tư vấn Simon-Kucher & Partners nhận định.
Song, theo ông, chính cách thức này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty đó tăng giá để đạt lợi nhuận hết sức có thể. Điều này đồng nghĩa các khoản trợ cấp bao gồm giảm giá vé, khuyến mại, bù đắp thu nhập tương đương cho hành khách và tài xế chắc chắn sẽ giảm.
Tệ hơn cả, theo ông Lawrence Cheok, nhà quản lý nghiên cứu cấp cao của IDC, rất có khả năng sẽ xảy ra tình trạng mập mờ về vấn đề tăng/giảm giá cả. “Với cấu trúc thị trường độc quyền, điều cần thiết là phải minh bạch về cách tính toán để thay đổi giá dịch vụ như thế nào”, ông Cheok nói và cho biết thêm: “Tôi khá chắc giới chức sẽ phải xem xét thỏa thuận này (mua bán giữa Uber-Grab) vì nó sẽ khiến thị trường bị tập trung lại”.
Những diễn biến tại Trung Quốc sau thỏa thuận của Uber-Didi là ví dụ cụ thể nhất. “Sau khi Uber Trung Quốc bán hết tài sản cho Didi, khách hàng Didi phải đối mặt với tình trạng tăng giá, còn tài xế hợp tác bị cắt trợ cấp đối với một số dịch vụ trên cả nước như dịch vụ gọi xe, đi chung xe (carpooling).
Kết quả, trong 4 tháng kể từ khi sáp nhập, tăng trưởng lượt khách rất thấp”, tờ Bưu điện Hoa Nam đưa tin vào tháng 12/2016 và cho biết thêm, nhiều tài xế hợp tác với Didi cân nhắc bỏ việc vì lo ngại sẽ bị giảm thu nhập.