Các thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) hôm 13/4 vừa ký một thỏa thuận giảm một nửa lượng khí thải carbon từ hoạt động vận chuyển vào năm 2050.
Ảnh minh họa
“Chiến lược ban đầu là giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính ít nhất 50% vào năm 2050 so với năm 2008”, IMO cho biết trong một tuyên bố.
Những quốc gia vận tải lớn như Ả Rập Xê Út và Mỹ đã phản đối các bản thảo đầu tiên trong hai tuần thảo luận tại trụ sở của IMO ở London. Trong khi đó, một số quốc gia như Quần đảo Marshall, nơi đang phải đối mặt với những nguy cơ từ tình trạng nước biển dâng cao, lại muốn có một cam kết mạnh mẽ hơn. Liên minh châu Âu (EU) muốn nâng mức cắt giảm khí thải lên 70 – 100%. Song, nhìn chung thỏa thuận này đã được các bên liên quan đồng tình.
“Đây là thỏa thuận cho thấy mong muốn rất cao đối với việc giảm phát thải carbon trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng rằng điều này sẽ giúp ngành vận tải có những tín hiệu cần thiết để giảm hoàn toàn lượng khí thải”, ông Peter Hinchliffe, tổng thư ký Phòng Vận chuyển Quốc tế, nói. Tổng thống Quần đảo Marshall, bà Hilda Heina, cũng ca ngợi thỏa thuận này.
“Ngày hôm nay IMO đã tạo ra lịch sử. Mặc dù lượng cắt giảm được cam kết không đủ như mong muốn của đất nước chúng tôi, nhưng rõ ràng vận chuyển quốc tế sẽ giảm bớt lượng phát thải và góp phần tạo cho đất nước chúng tôi một con đường để tồn tại”, bà Heina phát biểu.
“Chúng tôi đang thúc đẩy các mục tiêu mạnh hơn, nhưng dù sao đây là bước đi tuyệt vời của IMO nhằm cắt giảm lượng khí nhà kính của ngành vận chuyển”, Maersk, hãng vận tải lớn nhất thế giới, cho hay.
Vận chuyển và hàng không là hai lĩnh vực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UN) được ký tại Paris vào năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trong khi ngành hàng không đã đạt được kế hoạch giảm phát thải cách nay hai năm, ngành vận chuyển lại mất nhiều thời gian hơn vì sự phụ thuộc vào các tàu chạy đường dài sử dụng nhiên liệu dầu nặng khiến việc cắt giảm carbon trở nên khó khăn hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới, ngành vận chuyển chiếm khoảng 2% lượng khí thải carbon toàn cầu và có thể tăng lên khoảng 15% nếu không được kiểm soát.