Một số hãng hàng không nước ngoài coi Đài Loan, Hong Kong và Macau là lãnh thổ độc lập với Trung Quốc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo quy định về tín nhiệm xã hội mới của Chính phủ Trung Quốc đại lục. Quy định này kéo theo tranh cãi sâu sắc giữa hai nước Mỹ - Trung.
Bắc Kinh cảnh báo những hãng hàng không không tuân thủ
"Nguyên tắc một Trung Quốc"sẽ bị trừ điểm tín nhiệm xã hội
Bị phạt, trừ điểm tín nhiệm
Theo báo Washington Post, tháng trước, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) gửi thư tới 36 hãng hàng không cảnh báo, nếu các công ty này không tuân thủ “Nguyên tắc một Trung Quốc” sẽ bị kiểm soát hành chính sát sao hoặc thậm chí bị trừ điểm tín nhiệm xã hội.
Giám đốc hợp tác truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hãng hàng không United Airlines, Hoa Kỳ - ông Koji Nagata cho biết, công ty đã chuyển lá đơn này lên Nhà Trắng. Washington vốn có mối quan hệ bế tắc về thương mại với Bắc Kinh, ra thông báo bằng văn bản với lời lẽ mạnh mẽ, chỉ trích yêu cầu của CAAC là “vô lý”.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng phản ứng lại cho rằng, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đều phải tôn trọng chủ quyền và tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc.
Một ngày sau đó, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tham gia vào khẩu chiến giữa hai nước khi công bố bản thông báo của Nhà Trắng bằng tiếng Trung trên tài khoản Weibo của cơ quan. Chiều cùng ngày, bài viết đã thu hút hơn 23.000 lượt bình luận, hầu hết đều là người Trung Quốc chỉ trích Mỹ.
Không riêng Mỹ, tờ Sydney Morning Herald dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng những lời đe dọa để gây áp lực lên Qantas buộc chấp nhận quan điểm chính trị của Trung Quốc đó là coi Đài Loan là một phần của nước này chứ không phải là quốc gia độc lập. Qantas đã xác nhận, một trong các hãng hàng không của họ đã nhận được thư cảnh báo từ CAAC.
Tại sao Bắc Kinh lại quyết liệt đến vậy?
Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Melbourne ở Australia - ông Sow Keat Tok cho biết, cảnh báo từ Cơ quan Hàng không Trung Quốc thực chất là muốn áp đặt các “biện pháp trừng phạt mềm” với các công ty nước ngoài nhằm nâng tầm vị thế và sức mạnh kinh tế đang lên cao của nước này.
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang xây dựng nhiều kỳ vọng trong 5-6 năm trở lại đây, nên Trung Quốc phải cho thấy họ có quyền lực mạnh, có tiếng nói về các vấn đề thế giới và có thể bảo vệ các lợi ích của nước mình”, ông Tok nói.
Cùng quan điểm, báo Foreign Policy bình luận: Với lợi thế là thị trường hàng không lớn, phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, Trung Quốc không ngại dùng đòn kinh tế để buộc các công ty nước ngoài phải tuân thủ “luật chơi” mà nước này đặt ra.
Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022 - theo dự đoán từ Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế năm 2017. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đang khai thác 20% trong tổng số chuyến bay từ Trung Quốc - Mỹ.
Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ từng làm việc tại Thủ đô Bắc Kinh cho rằng: Mặc dù lệnh trừng phạt mà các hãng hàng không nước ngoài có thể đối mặt vì vi phạm quy định về uy tín xã hội của Trung Quốc còn mơ hồ nhưng có lẽ, không hãng hàng không nào cố tình đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
“Bạn có thể dự đoán một số biện pháp trừng phạt mà Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện như đóng các trang web hoặc cấm một số tuyến đường bay cụ thể...
Tuy nhiên, thực tế, không có lý do gì để các công ty này không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc bởi ưu tiên hàng đầu của họ là các cổ đông chứ không phải chính sách ngoại giao của Chính phủ Mỹ”, ông Wolf, người đang là chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi có trụ sở tại Hong Kong của Công ty Aberdeen Standard Investment nhận định.