Trung Quốc nới chính sách “mỗi hãng một tuyến bay”

Thứ tư, 23/05/2018 10:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách “một tuyến bay, một hãng hàng không” được áp dụng trong suốt 10 năm qua, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng trên các tuyến đường dài nhưng kéo theo cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không.

Trung Quốc nới lỏng quy định một tuyến bay một hãng hàng không

Nới lỏng thế nào?

Chính sách trên được Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thực hiện từ năm 2009 đối với các tuyến đường dài để các hãng hàng không do Nhà nước hậu thuẫn không phải cạnh tranh quá khốc liệt với nhau trên những tuyến khó đạt được lợi nhuận. Hiện nay, ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất tại Trung Quốc là: Air China Ltd, China Eastern Airlines Corp Ltd và China Southern Airlines Co Ltd.

Tuy nhiên, tuần qua, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc vừa ra thông báo nới lỏng chính sách “một tuyến bay, một hãng hàng không” đó và khẳng định, đây là động thái thể hiện Trung Quốc đang thay đổi bản chất thị trường hàng không nước này và chuẩn bị cho việc ra mắt sân bay quốc tế thứ hai tại Bắc Kinh, dự kiến vào năm 2019. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Chính sách mới sẽ chia các tuyến đường dài (từ 4.500km trở lên) thành hai loại. Các tuyến đường tới những nước có thỏa thuận “Bầu trời mở” hoặc thỏa thuận “Bầu trời mở” một phần như: Australia, Anh, Thái Lan, Mỹ,… sẽ không bị hạn chế hãng.

Qua đó, các hãng hàng không Trung Quốc có thể mở thêm nhiều chuyến bay tới đây bao gồm tăng các tuyến bay trực tiếp tới những điểm quan trọng. Còn lại, các tuyến tới những nước không có thỏa thuận bầu trời mở sẽ vẫn bị áp quy định “một tuyến bay, một hãng hàng không”.

Hành khách hưởng lợi nhưng các hãng áp lực

Nhận định về sự thay đổi này của CAAC, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu tư vấn giao thông Crucial Perspective cho biết: “Quy định mới sẽ tạo sự phát triển dài hạn tích cực đối với các hãng hàng không Trung Quốc muốn mở rộng các tuyến quốc tế mà đang bị hạn chế về chính sách”.

Nhìn chung, việc nới lỏng chính sách “một tuyến bay, một hãng hàng không” sẽ có lợi cho khách hàng. Qua việc tăng cường cạnh tranh trên các tuyến mà trước đây chỉ có một hãng hàng không quốc gia độc chiếm, hành khách sẽ có thêm lựa chọn để di chuyển trên các tuyến đường dài như từ Mỹ tới Trung Quốc.

Ngoài ra, khi sân bay thứ hai của Bắc Kinh là Daxing dự kiến mở cửa vào năm 2019, sẽ có thêm nhiều chuyến cất - hạ cánh (Slot) sẵn có tại sân bay. Nhờ nới lỏng hạn chế, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn khi cạnh tranh với các hãng hàng không khác. Các hãng hàng không nước ngoài đang khai thác cùng tuyến có cấu trúc giá cao hơn và dịch vụ kém hơn chắc chắn sẽ mất thị phần cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Mặt khác, theo phân tích từ tờ Jingtravel, quy định trên có điểm trớ trêu ở chỗ các tuyến đường dài từ Trung Quốc tới Mỹ đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất. Hãng hàng không American Airlines gần đây đã phải bỏ tuyến Bắc Kinh - Chicago vì khó khăn trong cạnh tranh.

Hơn nữa, các tuyến đường dài mới tới một số địa điểm có thể không đạt lợi nhuận trong ngắn hạn. Hay nói cách khác, vì Mỹ đang đối mặt với trì trệ, không thể phát triển các điểm đến ở Trung Quốc nên chắc chắn sẽ hạn chế mở rộng các tuyến trong tương lai gần.

Nhưng về lâu dài, sự thay đổi trong chính sách này sẽ giúp hành khách Trung Quốc được hưởng giá cả phải chăng trên các tuyến đường dài. Đồng thời, quy định mới giúp các hãng hàng không Trung Quốc linh hoạt hơn trong đối phó với tình hình số lượng khách du lịch tới Trung Quốc tăng chưa từng có.

Ít nhất đối với một số thị trường, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ không phải quá lo lắng về việc khi nào lập tuyến bay mới, đặc biệt ý nghĩa đối với các điểm du lịch sắp hút khách, những trung tâm du lịch và thị trường nguồn mới quan trọng của Trung Quốc.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)