Kể từ khi Triều Tiên đạt được nhiều bước ngoặt lớn trong quan hệ ngoại giao như hội đàm thượng đỉnh với Hàn Quốc, Mỹ, liên tiếp có các chuyến thăm Trung Quốc để làm ấm lại quan hệ hai nước, triển vọng Bình Nhưỡng mở cửa phát triển vận tải và thu hút khách du lịch chưa bao giờ sáng đến thế.
Triều Tiên đang xúc tiến mở rộng tuyến bay ra thế giới
Kết nối bằng máy bay, mở cửa cho du lịch
Chỉ trong tháng 6, Triều Tiên đã đạt thỏa thuận với Bắc Kinh cho phép hãng hàng không duy nhất của nước này Air Koryo mở rộng tuyến bay ra nhiều thành phố tại Trung Quốc.
Trong đó, Air Koryo được phép cung cấp các chuyến bay từ Tây An và Bình Nhưỡng bắt đầu từ tháng 7. Theo trang tin Xian Evening News, động thái này sẽ đưa Tây An - thủ phủ tỉnh Thiểm Tây trở thành thành phố thứ 5 của Trung Quốc có kết nối hàng không với thủ đô Triều Tiên sau: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thượng Hải và Thành Đô.
Một số công ty du lịch tại Tây An nơi nổi tiếng với đội quân bằng đất nung với kích thước như người thật, bắt đầu lên kế hoạch thiết kế các sản phẩm du lịch cho Triều Tiên.
Trang tin Xian Evening News dẫn lời một số nhà khai thác du lịch giấu tên cho biết: Đã có một số chuyến bay thuê từ Tây An đến Bình Nhưỡng khoảng 8 năm trước và “phản ứng của khách hàng rất mạnh mẽ”.
“Việc mở rộng tuyến bay của Air Koryo tới đây sẽ giúp việc đi lại giữa Tây An và Bình Nhưỡng trở nên thuận tiện và dễ dàng, đáp ứng niềm đam mê nghỉ dưỡng thăm thú Triều Tiên của người dân Tây An”, trang tin địa phương nhận định.
Trước thỏa thuận này, từ đầu tháng 6, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China nối lại các tuyến bay thường niên từ Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng sau khi tạm ngừng hơn 6 tháng.
Bên cạnh Trung Quốc, Bình Nhưỡng cũng thực hiện một loạt biện pháp hòa giải thiết thực bao gồm mở tuyến bay mới tới Hàn Quốc qua khu vực thông tin bay Bình Nhưỡng (FIR).
Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đang xem xét đề nghị này từ Bình Nhưỡng. Hai nước đã không có tuyến bay qua lại kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Ước tính, các hãng hàng không Hàn Quốc có thể tiết kiệm khoảng 16 tỉ won (tương đương 14,83 triệu USD) tiền nhiên liệu/năm đối với các chuyến bay tới Nga và Mỹ nếu Triều Tiên mở FIR.
Các chuyến bay khởi hành từ Incheon hiện đang phải đi vòng qua khu vực FIR của Bình Nhưỡng đồng nghĩa chặng đường bay bị dài thêm gần 500km. Hầu hết các hãng hàng không khác cũng tránh khu vực này vì lý do an toàn, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thực hiện hàng loạt cuộc thử tên lửa không báo trước vào năm 2017.
Nhiều chuyên gia như ông Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học Xã hội Hắc Long Giang đều nhận thấy những động thái gần đây là một trong những dấu hiệu cho thấy, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị mở cửa cho du lịch với thế giới bên ngoài.
“Những chuyến bay mở rộng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho du lịch và kinh doanh, đồng thời cho phép trao đổi thêm thông tin”.
Du lịch vốn là một trong những ngành mang lợi nhuận về cho Triều Tiên - một đất nước còn rất là bí ẩn trước con mắt của người dân thế giới. Dưới thời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ngành này càng được chú trọng.
Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy, Triều Tiên đang xây dựng công trình lớn tại bờ biển du lịch Đông Wonsan-Kalma, theo NK News. Công trình bao gồm một hồ nhân tạo và được cho là thiết kế nhằm phục vụ khách du lịch Hàn Quốc.
Rục rịch phát triển hành lang Đông Tây
Ngoài khôi phục và tăng cường kết nối qua đường hàng không, Bình Nhưỡng cũng đang bàn bạc với nước láng giềng Hàn Quốc để phát triển đường sắt liên Triều.
Hai bên đã có cuộc đàm phán vào cuối tháng 6 với sự tham gia của 3 đại diện Hàn Quốc do Thứ trưởng Bộ GTGT Hàn Quốc Kim Jeong Ryeol dẫn đầu cùng Thứ trưởng Bộ Đường sắt Triều Tiên Kim Yun Hyok.
Cuộc họp kéo dài một tiếng và hai bên đã trao đổi quan điểm về những cách “hiệu quả” và “thực tế” nhất để thúc đẩy hợp tác đường sắt. Cuộc họp tập trung vào kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt chạy dọc biên giới hai miền Triều Tiên ở khu vực phía Đông và phía Tây của bán đảo.
Tại phía Tây, Hàn - Triều đã có các tuyến đường sắt từ Thủ đô Seoul đến TP Sinuiju nằm ở Tây Bắc Bình Nhưỡng và sát biên giới với Trung Quốc.
Tuyến đường này được Nhật Bản xây dựng từ đầu thế kỷ XX trước chiến tranh Triều Tiên. Do đó, để có thể đưa vào sử dụng, nó cần phải được cải tạo và hiện đại hóa.
Ở hành lang phía Đông, hai bên đàm phán về kết nối các tuyến đường sắt chạy dọc biên giới. Một khi hệ thống đường sắt của hai hành lang Đông - Tây phát triển và đường sắt Triều Tiên hiện đại hóa, Hàn Quốc sẽ có thêm một tuyến đường thuận tiện để đưa hàng hoá đến các thị trường như: Trung Quốc, Nga và liên minh châu Âu.
Sự kết hợp này còn tạo ra thay đổi cơ bản trên bán đảo Triều Tiên đó chính là sự kết nối giữa người dân hai miền sau khi bị chia cắt từ năm 1953.