Bangladesh, một đất nước tại Nam Á, đang thực hiện quy định khá lạ “không mũ bảo hiểm, không bán xăng” cho những người không chấp hành quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Sở dĩ, Bangladesh thực hiện biện pháp mạnh tay này vì người dân biểu tình yêu cầu Chính phủ siết chặt quy định, hạn chế TNGT.
Học sinh, sinh viên Bangladesh biểu tình
kêu gọi Chính phủ tăng cường biện pháp đảm bảo ATGT
Siết quản lý, chế tài xử phạt
Quy định “không mũ bảo hiểm, không bán xăng” do cảnh sát trưởng Thủ đô Dhaka Asaduzzaman Mia khởi xướng từ đầu tháng 9. Ông kêu gọi tất cả các trạm đổ xăng trong thành phố không bán nhiên liệu cho những người đi xe máy thiếu mũ bảo hiểm. “Không nên bán xăng cho những người thiếu ý thức thực thi luật giao thông như vậy”, ông Mia nói và khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một hệ thống giao thông phù hợp, giảm tắc nghẽn, khuyến khích mọi người tuân thủ luật giao thông thông qua các chương trình về giao thông đặc biệt trong suốt tháng 9 này. Ngoài quy định trên, chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về hệ thống giao thông”.
Bên cạnh đó, trong tương lai, cảnh sát Thủ đô Dhaka cũng siết chặt quản lý số lượng người ngồi trên xe máy theo quy định tối đa 1 xe chỉ được chở 2 người, bao gồm cả người lái.
Tất cả người ngồi trên xe đều phải đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, cơ quan chức năng Dhaka cũng chuẩn bị đánh dấu, gắn biển 121 điểm chờ xe buýt trong thành phố trong vòng 3 tuần để ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông, đảm bảo xe buýt không dừng, đỗ bừa bãi trên đường.
Những quy định trên tại Thủ đô Dhaka tiếp nối nỗ lực chung của Chính phủ Bangladesh về tăng cường ATGT. Trước đó, Chính phủ Bangladesh đã thông qua luật an toàn đường bộ mới, trong đó nâng cao chế tài xử phạt lên mức tử hình đối với những trường hợp gây TNGT chết người vì điều khiển phương tiện cẩu thả, liều lĩnh.
Cảnh sát trưởng Dhaka Asaduzzaman Mia khẳng định, tất cả mọi công dân vi phạm giao thông đều bị trừng phạt, không loại trừ một ai, kể cả cảnh sát hay quan chức.
Biểu tình dữ dội vì ATGT
Những động thái trên nhằm xoa dịu sự tức giận của người dân trên khắp Bangladesh về thái độ quản lý lỏng lẻo, thiếu chính sách, luật pháp, chế tài xử phạt và biện pháp đảm bảo ATGT.
Nhiều thống kê chỉ ra, Bangladesh là một trong những nước có số lượng người tử vong vì TNGT cao nhất thế giới, với khoảng 12 nghìn người/năm. Nỗi bức xúc của người dân Bangladesh âm ỉ từ lâu đã bùng lên sau vụ hai thanh niên nước này bị xe buýt đi với tốc độ nhanh đâm tử vong.
Hàng chục nghìn sinh viên xuống đường tại Thủ đô Dhaka, khiến nhiều khu vực rơi vào bế tắc, không ít trường học phải đóng cửa. Sau đó, biểu tình lan rộng ra nhiều thành phố khác buộc chính phủ phải cắt dịch vụ internet.
Có thời điểm, biểu tình leo thang bạo lực khi cảnh sát bắn đạn cao su, xịt hơi cay giải tán đám đông, làm 100 người bị thương. Thậm chí, ô tô của Đại sứ Mỹ tại Bangladesh Marcia Bernicat bị nhiều thanh niên có vũ trang tấn công, rất may nữ Đại sứ đã nhanh chóng thoát khỏi đám đông biểu tình và không bị thương.