Mỹ thiếu kỹ sư hàng không trầm trọng

Thứ năm, 20/09/2018 08:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngành Hàng không Mỹ đang “khát” hàng nghìn nhân viên, kỹ sư trong bối cảnh “kỷ nguyên” về hưu đang đến gần.

Mỹ đang thiếu kỹ sư, thợ cơ khí hàng không trầm trọng

Thiếu hụt 754 nghìn kỹ thuật viên

Các hãng hàng không, tập đoàn sản xuất máy bay như Boeing cùng các nhà sản xuất động cơ như General Electric đang chạy đua để đảm bảo đủ nhân lực kỹ sư sửa chữa và duy trì máy bay khi làn sóng nghỉ hưu đang càn quét qua tất cả các ngõ ngách trong ngành hàng không.

Hiện tại, khoảng 30% trong tổng số kỹ sư máy bay đã và gần đến tuổi nghỉ hưu. Tuổi trung bình của một nhân viên cơ khí là 51 và hơn một nửa trong tổng số thợ cơ khí ngành hàng không Mỹ đã qua tuổi 64.

Trong khi đó, tỉ lệ nhân viên nghỉ hưu cao hơn tỉ lệ nhân viên mới thay thế - Hội đồng Giáo dục kỹ sư hàng không (ATEC) cho biết.

Tháng 7 vừa rồi, Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự đoán, ngành Hàng không cần 754 nghìn kỹ thuật viên máy bay mới trong vòng 2 thập kỷ tới, hơn 80% trong số đó cần cho ngành hàng không thương mại đang phát triển rất nhanh.

Không hấp dẫn vì lương, quyền lợi thấp

Sở dĩ không nhiều người mới muốn bước chân vào ngành Hàng không là vì quyền lợi và lương ngành này hiện đang rất thấp. Rất nhiều người trẻ học ngành cơ khí hàng không nhưng lại không đi làm đúng chuyên môn.

Trong một cuộc khảo sát các giám đốc điều hành trong ngành hàng không, ngành bảo trì, sửa chữa và cải tiến (MRO), 51% người được hỏi cho rằng lương và lợi ích trong ngành này chính là trở ngại ngăn cản người mới.

ATEC ước tính, 30% sinh viên tốt nghiệp khóa đào tạo bảo trì hàng không cuối cùng lại ngậm ngùi đi làm việc khác. Nắm bắt thực trạng này, rất nhiều công ty đang thực hiện kế hoạch để lấp đầy các khoảng trống nhân sự khi nhu cầu của ngành Hàng không không ngừng tăng. Trong đó, một số công ty chấp nhận tuyển học sinh từ các trường dạy nghề thay vì chỉ chú trọng vào các sinh viên đại học như trước.

Những người tốt nghiệp từ các trường dạy nghề như Aviation High School đang được các công ty như JetBlue Airways tuyển dụng. Hiện tại, hàng trăm thợ cơ khí và kỹ thuật viên của JetBlue đều là học sinh tốt nghiệp từ trường Aviation High School.

Ngoài ra, hãng hàng không có trụ sở tại New York còn mở một chương trình học việc một năm cho thợ cơ khí với lợi ích như nhân viên toàn thời gian. Theo người phát ngôn JetBlue Tamara Young, hết một năm thử việc, những cá nhân làm việc trong các nhà chứa máy bay tại New York và Boston của hãng sẽ được đề xuất lên làm kỹ thuật viên chính thức nếu đạt tiêu chuẩn.

Tháng 7 vừa rồi, hãng hàng không Delta cũng cấp 350 nghìn USD cho 9 trường hàng không trên khắp cả nước trong đó có Aviation High School để tìm kiếm người tài. Hãng này cũng định thuê 2.000 thợ cơ khí trong 10 năm tới nhằm lấp chỗ trống nhân lực, đại diện Drake Castaneda cho biết.

Đòi hỏi kỹ năng phức tạp, đa dạng

Một yếu tố khác khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực càng thêm trầm trọng đó là trong vòng 10 năm nữa, 58% trong tổng số máy bay mới của hàng không Mỹ sẽ là những máy bay được thiết kế và chế tạo sau năm 2000.

Do đó, những thợ cơ khí tương lai không chỉ phải nắm bắt những kỹ năng sửa chữa máy bay thế hệ mới nhất mà còn cả những máy bay đời cũ hơn, đã bay được 20 năm.

Hơn nữa, kỹ sư bảo trì trong tương lai cần phải là những “bác sĩ” cực kỳ am hiểu về công nghệ - điều mà họ chưa từng tưởng tượng trong vài thập kỷ trước. Kết quả cuộc khảo sát các giám đốc điều hành trong ngành hàng không đã xác định ra 3 công nghệ mới nổi cần thiết cho các kỹ sư thế hệ kế cận bao gồm: Sản xuất và sửa chữa vật liệu tổng hợp (62%); tập hợp và báo cáo số liệu về phân tích, dữ liệu và dự đoán tình hình bảo dưỡng (51%) cùng các hệ thống điện và khoa học điện tử áp dụng vào ngành hàng không và vũ trụ mới nhất.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)