Đường sắt tốc độ cao Trung Quốc “vượt mặt” hàng không

Thứ ba, 25/09/2018 09:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
So với Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc là nước “sinh sau đẻ muộn” trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Thế nhưng, Trung Quốc đang vượt mặt các quốc gia top đầu để trở thành nước có số km đường sắt cao tốc dài nhất toàn cầu. Hệ thống này không chỉ trở thành tuyến vận tải quan trọng kết nối các tỉnh, thành trên khắp Trung Quốc mà đang vươn lên trở thành đối thủ nặng ký đối với ngành Hàng không.

Tàu cao tốc của Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế so với ngành Hàng không

Cạnh tranh với 3 ông lớn ngành hàng không

Kể từ khi bắt đầu khai thác dịch vụ vận chuyển hành khách bằng tàu con thoi đầu tiên của Trung Quốc kết nối Thủ đô Bắc Kinh với thành phố cảng Thiên Tân cách đây một thập kỷ, các Hãng hàng không của quốc gia này đã mất rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các tuyến đường dưới 800km.

Đến nay, với tổng số km lên tới 25.000, hệ thống đường sắt tốc độ cao còn chiếm lĩnh thị phần trên các tuyến đường dài hơn, khoảng 1.000km. Mới đây nhất, tháng 9/2017, Trung Quốc cho ra mắt con tàu mà nước này nhận định là nhanh nhất thế giới mang tên “Phục Hưng” với tốc độ tối đa 350km/h, kết nối Thượng Hải - Bắc Kinh, hai siêu thành phố của Trung Quốc cách nhau 1.318km, trong 4,5 giờ.

“Chúng tôi từng cho rằng, thị trường của tàu con thoi chỉ trong khoảng 800km trở xuống. Thế nhưng, nhờ sự phát triển của đường sắt cao tốc, thị trường này có thể vươn tới những tuyến dài hơn cả 1.000km”, ông Han Zhiliang, Chủ tịch sân bay quốc tế Bắc Kinh - cảng hàng không bận rộn nhất Trung Quốc nhận định. Ông này e ngại ngành hàng không dân dụng Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức trong 5 năm tới.

Thực tế, báo cáo lợi nhuận của 3 “ông lớn” trong ngành hàng không Trung Quốc bao gồm: Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines đã cho thấy rõ sự tác động mạnh mẽ của tàu con thoi đối với phương tiện máy bay. Trong báo cáo, Air China cho biết, các tuyến tàu tốc độ cao của Trung Quốc đã và đang mở rộng tới khu vực miền Trung về phía Tây.

Vì sao tàu cao tốc lại được ưa chuộng?

Theo ông Han, sở dĩ tàu con thoi có thể cạnh tranh với hàng không là bởi “không giống như máy bay, tàu ít khi bị ảnh hưởng vì thời tiết, an toàn... và quan trọng nhất là có giá rẻ hơn. Ngoài ra, mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc lại không ngừng phát triển rộng rãi. Ở nhiều khu vực, nơi nào có sân bay, nơi đó có sự xuất hiện của tàu cao tốc”.

Trong báo cáo lợi nhuận, Air China cũng thừa nhận, đối với các tuyến ngắn và tầm trung, nhiều hành khách thích chọn tàu con thoi hơn vì có nhiều chuyến, giá rẻ, đúng giờ và thuận tiện.

Hiện tại, tàu cao tốc của Trung Quốc đảm bảo lịch trình khá chuẩn xác trong khi tình trạng chậm/hủy chuyến tại các sân bay lớn ở Trung Quốc lại diễn ra thường xuyên. Để phát triển cân bằng hai loại hình giao thông này, các hãng hàng không Trung Quốc đang đi theo hai giải pháp chính đó là hạ giá vé hoặc mở rộng các tuyến mới.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, lựa chọn thứ 2 khả quan nhất đối với các hãng hàng không trong tình hình hiện nay.

Trong đó, các hãng hàng không dự kiến chuyển công suất sang các tuyến quốc tế, tìm kiếm các thị trường mới ở nước ngoài. Một trong những thuận lợi để các hãng hàng không Trung Quốc phát triển kế hoạch này là tình hình thu nhập cá nhân của người dân Trung Quốc đang tăng cao kéo theo nhu cầu và quan tâm ra nước ngoài cũng nhiều hơn. Chưa kể, các tuyến quốc tế mở ra nhiều triển vọng ở các thị trường nước ngoài và nhìn chung mang về nhiều lợi nhuận hơn.

Tàu cao tốc rút ngắn 15 giờ từ Hong Kong đến Trung Quốc

Không dừng lại trong khuôn khổ đại lục, từ cuối tuần qua, hệ thống tàu cao tốc Trung Quốc đã vươn ra đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Chuyến tàu đầu tiên có hành trình từ Hong Kong đến Thâm Quyến, bắt đầu vào lúc 7h ngày 23/9, thu hút hàng trăm hành khách đến nhà ga Tây Cửu Long háo hức chờ đợi trải nghiệm hành trình cao tốc đầu tiên đến Trung Quốc đại lục. Để lên tàu, hành khách phải qua trạm xuất nhập cảnh của cả phía Hong Kong và Trung Quốc. Dịch vụ mới giúp nâng cao chất lượng, cắt giảm đáng kể thời gian hành trình so với hệ thống đường sắt xuyên biên giới hiện tại. Chẳng hạn, tuyến tàu từ Hong Kong đến Thủ đô Bắc Kinh chỉ còn 9 tiếng so với 24 tiếng như trước.

 

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)