Không chỉ gây kinh ngạc với thế giới bằng hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất, Bình Nhưỡng ấp ủ kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo các quan chức nước này tìm kiếm
và thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty đường sắt
Giấc mơ âm thầm trong hơn 20 năm
Chính phủ Triều Tiên bắt đầu nhen nhóm giấc mơ về một hệ thống tàu hiện đại, kết nối quốc tế từ những năm đầu của thế kỷ 20. Chỉ một tháng trước khi qua đời vào năm 1994, người sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung đã tuyên bố, đường sắt kết nối hai miền Triều Tiên, Nga và Trung Quốc có thể tạo ra lợi nhuận cho Bình Nhưỡng khoảng 1,5 tỉ USD/năm từ vận tải hàng hóa.
Seoul và Bình Nhưỡng từng bàn bạc về hệ thống đường sắt liên Triều từ Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước vào năm 2000. Sau đó, tháng 12/2015, trong một tài liệu đầu tư do Bình Nhưỡng soạn thảo, Chính phủ nước này dự định xây đường sắt nhanh quy mô quốc tế để thúc đẩy đặc khu kinh tế tại TP Sinuiju, giáp Trung Quốc. Kế hoạch đó bao gồm chuyển đổi một số tuyến đường sắt kết nối với Thủ đô thành hệ thống đường sắt tốc độ cao hoàn chỉnh.
Tiếp nữa, trong thông báo được truyền thông nhà nước đăng tải năm 2015, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng, nên xây một đường sắt cao tốc kết nối Bình Nhưỡng và sân bay quốc tế mới gần thủ đô này.
Không chỉ vậy, ông Kim còn tham vọng dự định xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Triều Tiên với Hàn Quốc và Trung Quốc, “nhắm tới lợi nhuận tiền tệ nước ngoài từ hoạt động bán vé”, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Triều Tiên phụ trách phát triển kinh tế cho hay.
Gần đây nhất, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un còn công khai thể hiện ngưỡng mộ đường sắt Hàn Quốc từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng tư. Nhà lãnh đạo trẻ đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng em gái ông cùng đoàn đại biểu Triều Tiên rất choáng ngợp trước tàu cao tốc của Hàn Quốc sau khi được trải nghiệm phương tiện này nhân dịp dự Thế vận hội Pyeongchang hồi tháng 2.
Tuy nhiên, các chuyên gia và giám đốc điều hành trong ngành Đường sắt dự tính, nếu Triều Tiên muốn xây dựng hệ thống tàu cao tốc giống KTX của Hàn Quốc thì có thể mất khoảng 5 năm với chi phí lên tới 20 tỉ USD.
Chưa kể đến chi phí, kế hoạch này đã và đang đối mặt với vô vàn trở ngại, không chỉ từ các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với các hoạt động kinh doanh tại Triều Tiên nhằm ngăn chặn nước này theo đuổi vũ khí hạt nhân mà còn ở cả thực trạng hạ tầng điện còn thiếu cân bằng.
Giới chức hai miền hy vọng các dự án này có thể được loại trừ khỏi gói lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, dựa trên điều khoản miễn trừ một số “hạ tầng tiện ích phi thương mại cho cộng đồng”.
Xúc tiến tìm nhà thầu
Theo nguồn tin từ quan chức Triều Tiên được nhắc tới ở trên, hiện nay, “dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, giới chức nước này đang tìm kiếm một tập đoàn nhà thầu đa quốc gia” để hiện thực hóa tham vọng đường sắt, thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước như Hàn Quốc và Pháp...
Về phía Hàn Quốc, nhiều kỹ sư và nhà tư vấn tại đây cho biết, họ đang phác thảo các dự án đường sắt có thể phối hợp với Triều Tiên. Cả hai miền đều nhận thấy hạ tầng này chính là chìa khóa mở cửa du lịch và thương mại trong khu vực, kết nối bán đảo Triều Tiên với Nga, Trung Quốc và xa hơn nữa. Thực tế, triển vọng đó đã đẩy giá cổ phiếu của Hyundai Rotem cùng một số công ty đường sắt khác của Hàn Quốc.
Trong trường hợp dự án đường sắt cao tốc đa quốc gia có thể thực hiện và đi vào hoạt động, Hàn Quốc cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Năm 2015, hiệp hội đường sắt Nhà nước ước tính các tuyến tàu liên Triều nối bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc và Nga có thể cắt giảm một nửa thời gian vận tải hàng hóa và sinh lời cho Hàn Quốc.
Ông Ahn Byung-min, một thành viên Ủy ban về hợp tác kinh tế với Triều Tiên thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhận định: “Trong quá khứ, dự án đường sắt liên Triều chỉ đơn giản gắn kết những tuyến đường chưa được kết nối. Nhưng nay, dự án đường sắt này tập trung vào hiện đại hóa, vận hành và tạo ra giá trị kinh tế”.
Mới đây, Hàn Quốc đã cơ bản đồng ý giải ngân 504 tỉ won (tương đương 450 triệu USD) trong năm tới cho các dự án kinh tế xuyên biên giới như hiện đại hóa đường bộ, đường sắt của Triều Tiên, tăng 46% so với năm ngoái.
Về khả năng xây dựng quan hệ với Pháp, hồi tháng 6 vừa qua, ông Kim Yong Il, người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên tại Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ở Paris chia sẻ trước Quốc hội Pháp rằng, Bình Nhưỡng mong muốn hợp tác với Paris về xây dựng đường sắt, đặc biệt nhắc tới cái tên Alstom - nhà sản xuất tàu cao tốc TGV của Pháp và công ty khai thác đường sắt quốc gia Pháp SNCF có thể là các đối tác tiềm năng.
Bản thân Hàn Quốc cũng áp dụng kỹ thuật của Alstom để xây dựng hệ thống tàu con thoi KTX cho nước này năm 2004. Tuy nhiên, các nhà khai thác đường sắt Pháp cho biết, họ chưa có kế hoạch hợp tác với Triều Tiên do quan ngại các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng vẫn còn chưa hết hiệu lực.