Bắt tay thực hiện từ cách đây một thập kỷ, dự án hệ thống đường sắt cao tốc tại Morocco, kết nối giữa hai TP Tangier và Casablanca đã được khánh thành vào giữa tuần qua.
Tàu cao tốc TGV được chạy thử nghiệm tại Morocco vào ngày 15/11
Đây là một dự án lớn nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của chính quyền Rabat với hy vọng những chuyến tàu sẽ mang lại lợi nhuận và sự phát triển cho quốc gia Bắc Phi này.
Mạnh tay đầu tư
Ngày 15/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Nhà vua Morocco Mohammed VI đã cùng tham dự lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Phi. Đây là dự án trị giá 2 tỷ USD do Morocco, Pháp, Arab Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cùng hợp tác đầu tư, xây dựng, bắt đầu thực hiện cách đây 10 năm.
Con tàu hai tầng TGV do Tập đoàn Alstom (Pháp) chế tạo đã được chạy thử nghiệm trong lễ khánh thành, nhằm chuẩn bị cho sự ra mắt của tuyến đường kết nối giữa TP Tangier với “thủ đô” về kinh tế của Morocco là Casablanca ngay trong tháng 11 này.
Những chuyến tàu mới chạy dọc theo bờ biển Đại Tây Dương có thể đạt tốc độ 200 dặm/h. Nó sẽ cắt giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống hơn một nửa, tức là chỉ còn mất hơn hai giờ đồng hồ.
Tốc độ của tàu cao tốc mà quốc gia Bắc Phi đang sở hữu nhanh gấp đôi hệ thống tàu điện ngầm cao tốc Gautrain của Nam Phi, vốn đã ra mắt năm 2012.
Vua Mohammed VI và Chính phủ Morocco mong đợi các chuyến tàu sẽ mang lại sự thịnh vượng và vị thế cho quốc gia này.
Hệ thống đường sắt cao tốc nằm trong kế hoạch tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ Rabat, trong đó bao gồm cả dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới cùng một số cảng biển chính, nhằm kích thích nền kinh tế còn chậm phát triển của Morocco.
Trong báo cáo về “Triển vọng kinh tế 2016” cho Morocco, Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng đánh giá Chính phủ Rabat đang tiếp tục cải cách và đầu tư lớn để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuyến đường sắt kết nối Tangiers - Casablanca được kỳ vọng sẽ tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng hành khách, giúp thúc đẩy phát triển du lịch, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại nhiều thành phố cũng như nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư.
Ông Mohamed Rabie Khlie, Giám đốc Công ty Đường sắt quốc gia Morocco (ONCF) phát biểu với tờ báo Le Monde cho biết: “Chúng tôi đang nhắm tới việc phục vụ 6 triệu hành khách mỗi năm sau 3 năm đi vào hoạt động, thay vì dự kiến là 3 triệu như hiện tại. Điều này sẽ giúp chúng tôi đạt được mức lợi nhuận vượt xa so với các chuyến tàu thông thường và đây sẽ là minh chứng cho sự phát triển”.
Ông Khlie cũng phủ nhận việc nâng cấp dịch vụ sẽ dẫn đến việc hành khách phải trả chi phí cao hơn.
“Đây là những chuyến tàu dành cho người Morocco và do đó, nó phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Chúng tôi không muốn vận hành một chuyến tàu dành riêng cho các khách hàng cao cấp”, Giám đốc Công ty Đường sắt quốc gia Morocco tuyên bố.
Dự án nào cũng có rủi ro
Theo nhà phân tích kinh tế Zouhair Ait Benhamou đến từ Pháp, bên cạnh những hiệu quả về kinh tế, hệ thống đường sắt cao tốc mới cũng sẽ có cả những rủi ro cho Morocco.
“Mô hình kinh doanh của ONCF dựa trên mô hình của Pháp, trong đó các chuyến tàu được trợ giá rất nhiều. Nếu số lượng hành khách không đủ trong 2 - 3 năm, Chính phủ sẽ tiếp tục phải có sự hỗ trợ”, ông Benhamou cho hay.
Nhà phân tích kinh tế này cũng nói thêm, Chính phủ Rabat hy vọng sẽ kích thích các hoạt động kinh tế mới ở các khu vực dọc theo tuyến đường tàu chạy qua. “Tôi cảm thấy hoài nghi về một số địa điểm mà giới chức Morocco muốn phát triển thành khu du lịch mới. Họ hoàn toàn có thể thu hút các nhà sản xuất ô tô đến xây dựng nhà máy”. Ông Benhamou đưa ra dẫn chứng về việc hãng sản xuất ô tô Peugeot đang nghĩ đến việc xây dựng một công xưởng ở Kenitra. Ông đánh giá, nếu chuyến tàu cao tốc đi qua thành phố này, nó sẽ trở thành một trung tâm logistics.
Còn theo ông Riccardo Fabiani, một nhà phân tích đến từ Công ty tư vấn Eurasia Group, tuyến đường sắt cao tốc sẽ gây ấn tượng với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ có thể vẫn còn một số lo ngại với Morocco, đặc biệt là về nền kinh tế trong nước.
Ông Fabiani chỉ ra sự yếu kém trong việc điều hành đất nước, vấn đề tham nhũng cũng như yếu tố về “vốn con người” với một hệ thống giáo dục kém hiệu quả đã khiến các nhà đầu tư còn nhiều e dè khi quyết định đẩy mạnh hoạt động tại quốc gia Bắc Phi này.