Nhật, Hàn “đấu” Trung Quốc tránh giành thị phần pin xe điện

Thứ hai, 03/12/2018 08:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vốn là những nước đi đầu trong công nghệ pin, tuy nhiên cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang phải đối mặt với việc san sẻ “ngôi vương” cho Trung Quốc – một quốc gia mới nổi trong lĩnh vực chế tạo đặc biệt này nhưng nhanh chóng đạt được những thành tựu đáng kể.

Bên trong nhà máy sản xuất pin của CATL tại Trung Quốc

Doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ

Với mong muốn thay thế hệ thống ô tô truyền thống và trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực xe điện trên toàn thế giới, Trung Quốc đã quyết định đầu tư hàng chục tỷ USD để thực hiện tham vọng của mình.

Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Gaogong, vào năm 2017, có tới 7 trong tổng số 10 hãng cung cấp pin li-ion lớn nhất toàn cầu đều đến từ Trung Quốc, trong đó có Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL) đứng vị trí thứ nhất và BYD đứng thứ 3.

Theo dự báo của tờ Bloomberg, quốc gia châu Á này sẽ đảm nhận sản xuất 70% tổng số pin cho xe điện vào năm 2021. Như vậy, Trung Quốc có khả năng tăng mức doanh thu từ dưới 10 tỷ USD lên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Là quốc gia tiêu thụ xe điện nhiều nhất thế giới, việc Trung Quốc không ngừng nâng cao sản lượng và công nghệ trong việc chế tạo pin đã khiến nhiều đối thủ của họ, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy lo ngại.

Ông Takaki Nakanishi, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Nakanishi cảnh báo: “Việc Trung Quốc làm chủ ngành sản xuất pin sẽ không có lợi cho các công ty xe hơi châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có nhiều rủi ro khi các doanh nghiệp ô tô bị phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung cấp khi mua sắm linh kiện”.

Cuộc đua của sự đổi mới

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã sớm tiếp cận thị trường xe điện đầy tiềm năng và thành lập liên doanh sản xuất pin li-ion với các công ty điện tử trong nước, chẳng hạn như Toyota kết hợp với Panasonic, hay Nissan Motor hợp tác với NEC.

Các doanh nghiệp này còn cố gắng kiểm soát phần lớn thị trường xe điện bằng cách độc quyền công nghệ trong nước. Tuy nhiên, lợi thế của họ đã nhanh chóng mất đi khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đầu tiên là từ các đối thủ đến từ Hàn Quốc, sau đó là các nhà sản xuất mới nổi lên của Trung Quốc.

Hiện, Toyota đang nỗ lực để vượt trên các đối thủ của mình một lần nữa, thông qua việc nghiên cứu công nghệ pin thể rắn. So với pin li-ion, pin thể rắn có nhiều ưu điểm vượt trội và ổn định hơn. Nhưng quan trọng nhất là loại pin mới này sẽ giúp xe điện kéo dài quãng đường đi sau mỗi lần sạc, với khoảng 800km, tương đương với xe chạy động cơ xăng.

Họ có kế hoạch chi 13,2 tỷ USD cho tới năm 2030, nhằm phục vụ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển các loại pin thế hệ tiếp theo này.

Trong khi đó, Panasonic quyết định hợp tác với “gã khổng lồ” Tesla, xây một siêu nhà máy pin li-ion có tên Gigafactory tại Nevada, trị giá 5 tỷ USD. Ông Kazuhiro Tsuga, Chủ tịch Công ty Panasonic cho hay: “Đây là một cuộc đua thực sự và chúng tôi muốn chiến thắng nó”.

Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã để tuột thị phần cho các đối thủ mới nổi từ Trung Quốc. Để khôi phục lại vị thế của mình, các doanh nghiệp tại đây đang cố gắng mở rộng sản xuất để nâng cao năng suất.

Công ty LG Chem mới đây đã xây dựng thêm một nhà máy sản xuất pin thứ 2, đặt tại Nam Kinh. Họ hy vọng vào cuối năm 2019, nhà máy có thể sản xuất 500.000 pin mỗi năm để cung cấp cho các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc và các thị trường châu Á khác.

Trong khi đó, một nhà sản xuất các của Hàn Quốc là Samsung SDI quyết định tập trung vào thị trường xe điện ở châu Âu, ít cạnh tranh hơn nhưng lại mang đến lợi nhuận không nhỏ.

Trong cuộc đua đổi mới công nghệ, các công ty Trung Quốc cũng không hề tỏ ra yếu thế. Nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới CATL đã mạnh tay đầu tư, thuê các chuyên gia hàng đầu và liên tục có có kế hoạch mở rộng, nâng cao năng suất. Còn BYD cũng quyết định chi tới 1,5 tỷ USD cho công nghệ sản xuất pin li-ion.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)