Nguy cơ về một “Brexit không thỏa thuận” (Brexit được thông qua mà không có thỏa thuận, cam kết cụ thể, rõ ràng về từng lĩnh vực) được chấp thuận sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế của “xứ sở sương mù”. Trong đó, ngành chế tạo ô tô sẽ chịu không ít thiệt hại.
Công nhân làm việc trong một nhà máy chế tạo ô tô tại Anh
Tương lai không tươi sáng
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, các nghị sĩ trong Quốc hội Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit. Mặc dù đạt được sự đồng thuận từ các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng thỏa thuận này lại vấp phải sự phản đối ngay trong nội bộ chính quyền London.
Trước nguy cơ “Brexit không thỏa thuận” được Quốc hội Anh thông qua, ngày 27/11, Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô (SMMT) đã đưa ra cảnh báo về một viễn cảnh thê thảm đối với ngành công nghiệp chế tạo xe hơi Anh.
“Việc không có một Brexit với các khế ước rõ ràng được thông qua thực sự là một thảm họa. Các nhà máy sẽ phải đóng cửa, công nhân không còn việc làm”, Giám đốc điều hành của SMMT, ông Mike Hawes cho biết.
Theo ông Hawes, việc Anh rời khỏi EU là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, rõ ràng, đến giờ phút này, nếu một thỏa thuận không đâu vào đâu được chấp thuận sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô tô lâm vào tình thế khó khăn.
“Điều chúng tôi cần ngay bây giờ là một thỏa thuận đầy tham vọng, cụ thể... nhằm đảm bảo không xảy ra mâu thuẫn thương mại với thị trường quan trọng nhất của chúng tôi là châu Âu trong tương lai. Tôi kêu gọi các bên hãy cân nhắc thật kỹ trước những rủi ro có thể xảy đến với ngành công nghiệp đặc biệt nhạy cảm và quan trọng này”, Giám đốc điều hành của SMMT nói thêm.
Trước đó, Hiệp hội SMMT cũng tính toán, trong trường hợp Brexit xảy ra mà không có thoả thuận, thuế nhập khẩu sẽ đẩy chi phí ô tô chế tạo tại Anh bán ở châu Âu tăng trung bình 3.000 euro/chiếc. Cả ngành công nghiệp xe hơi và khách hàng sẽ phải trả ít nhất 5,7 tỉ euro (tương đương 6,6 tỉ USD)/năm tiền thuế phương tiện.
Vô số rủi ro
Để chứng minh cho việc thoả thuận “Brexit không thỏa thuận” được thông qua sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất xe hơi của xứ sở sương mù, Hiệp hội SMMT đã công bố kết quả cuộc khảo sát, lấy ý kiến từ 182 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực này hồi tháng 11.
Trong đó, hơn 70% công ty tin rằng, một “Brexit không thỏa thuận” sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh và đe dọa đến khả năng phát triển của họ trong tương lai.
Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, công việc làm ăn của họ đã bị ảnh hưởng do sự không chắc chắn của các thoả thuận thương mại Brexit. Các công ty này đã phải tiến hành các kế hoạch dự phòng, chuyển hoạt động kinh doanh ra bên ngoài nước Anh cũng như cắt giảm số lượng nhân viên.
Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện việc thay đổi các tuyến vận tải, hoạt động logistics, kho bãi cũng như điều chỉnh lịch trình sản xuất. Gần 1/3 trong số các công ty này đã quyết định tạm hoãn hoặc huỷ bỏ hẳn kế hoạch đầu tư vào Anh chỉ vì Brexit.
“Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, việc thông qua thỏa thuận là một yêu cầu quan trọng. Nó sẽ ngăn không để ngành công nghiệp chế tạo xe hơi rơi xuống “vực thẳm” sau khi Anh chính thức rút khỏi EU - đối tác thương mại lớn nhất và thân cận nhất của quốc gia này”, SMMT đưa ra kết luận.
Chế tạo ô tô là một trong những ngành công nghiệp then chốt của Anh. Lĩnh vực này mang lại việc làm cho 856 nghìn người và đóng góp đến 20,2 tỷ bảng (khoảng 25 tỷ USD) cho nền kinh tế đất nước. Trong năm 2017, đã có 1,67 triệu chiếc xe được sản xuất, trong đó 80% được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường châu Âu.
Chắc chắn rằng, một “Brexit không thoả thuận” sẽ làm gián đoạn lưu thông hàng hoá, khiến việc sản xuất rơi vào hỗn loạn và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của chính người dân Anh.