Tại Triển lãm ô tô Paris Motor Show vừa kết thúc tháng 10 vừa qua, cho thấy cuộc đua của các ông lớn trong ngành sản xuất xe điện; trước những yêu cầu ngày một nghiêm ngặt về khí thải ở nhiều quốc gia.
Khói bụi từ xe chạy xăng gây ô nhiễm môi trường
Hiện ngày càng nhiều nước cấm ô tô chạy động cơ đốt trong để bảo vệ môi trường và sức khoẻ. Đã có 12 nước trên thế giới chủ trương cấm các loại xe chạy bằng xăng, dầu diesel từ năm 2016.
Tuy nhiên, giá cả vẫn là thách thức với xe điện. Các nhà sản xuất cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề chi phí sản xuất pin - nguyên nhân chính dẫn đến giá thành xe điện cao hơn nhiều so với xe hơi truyền thống từ 5.000 - 8.000 Euro ( tức là rơi vào khoảng 130 triệu đến hơn 200 triệu VNĐ)
Mặc dù Trung Quốc - thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới trợ cấp hơn 7 tỷ đô la Mỹ năm 2017, nhưng chỉ khoảng 579.000 xe điện được bán ra, chiếm 2% tổng thị trường. Còn tại Singapore, ô tô điện có thể được giảm thuế lên tới 20.000 đô la Singapore, nhưng chúng chỉ chiếm 0,09% tổng số xe chạy trên đường.
Ngoài ra, ông Tim Urquhart – Chuyên viên phân tích ô tô mảng dịch vụ và xử lý thông tin của công ty Markit nhận định: “Vẫn còn một chặng đường dài trước mắt, ngay cả đại diện của Mercedes cũng phải thừa nhận rằng 98% người tiêu dùng Châu Âu vẫn lựa chọn xe động cơ đốt trong. Những chiếc xe điện bắt đầu xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định của người mua như giá bán, trạm sạc và thời gia sạc nữa”.
Mới đây, Công ty khởi nghiệp Chargefox ở Úc có kế hoạch xây dựng 21 điểm sạc nhanh; chỉ cần sạc khoảng 15 phút cho quảng đường 400 km. Công ty này đang nhận khoản hỗ trợ 15 triệu đô la Úc từ các nhà đầu tư tư nhân và chính phủ để xây dựng các trạm sạc có công suất lên đến 350 kilowatt; chạy từ Cairns ở phía bắc đến Adelaide ở phía nam.
Ông Marty Andrews - Giám đốc điều hành Chargefox cho hay: “Mạng lưới trạm sạc cực nhanh của chúng tôi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước và loại bỏ một trong các rào cản chính cho việc áp dụng xe điện”.
Tuy nhiên 21 điểm sạc vẫn chưa đủ, theo hãng tin Bloomberg: Úc là một trong các nước phát triển chấp nhận và sử dụng xe điện chậm nhất; chỉ chiếm 0,2% doanh số ô tô điện mới trong năm 2017, thua xa các nước khác như Anh và Đức với tỷ lệ lần lượt là 1,9% và 1,5%.
Liên quan đến vấn đề chi phí pin ô tô điện, Giáo sư Mhaisalkar - Phó Chủ tịch Chiến lược và Quan hệ đối tác của Viện Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định: "6 hay 7 năm trước, chi phí của pin gấp 3 lần hiện nay. Hy vọng, trong 5 năm nữa, chi phí pin sẽ thấp hơn đáng kể so với ngày hôm nay. Khi đó, chênh lệch về giá giữa chiếc xe điện và động cơ đốt trong sẽ dần thu hẹp. Ngoài ra, lái xe trong thành phố, bạn không nên nhìn vào phạm vi 200 hay 300km. Bạn nên xem xét, trung bình mỗi chiếc xe đi khoảng 50km mỗi ngày, như thế sẽ giải quyết được phần nào nỗi lo về pin.
Mặc dù vậy, vấn đề khó khăn của xe điện chưa phải đã hết, bởi cho dù thay thế xe chạy động cơ đốt trong bằng xe điện thì vấn đề ùn tắc vẫn còn đó. Ông Christophe Najdovski - Phó trị trưởng Thủ đô Paris, phụ trách giao thông chia sẻ:
“Xe điện là một xu hướng tốt, tuy nhiên nếu chúng ta thay thế 1 triệu chiếc xe chạy động cơ đốt trong thành 1 triệu chiếc xe điện thì tình trạng ùn tắc vẫn còn nguyên đó. Vì vậy các nhà sản xuất cần hiểu rằng giao thông của tương lai phụ thuộc vào sự chia sẻ xe, chứ không phải là xe điện".
Nhu cầu về ô tô tại Việt Nam đang tăng nhanh. Đến 2025 sẽ đạt khoảng 600.000 xe/năm và đạt 1 triệu xe/năm vào 2030. Điều này dẫn tới lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, ô tô điện sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.
Tại Việt Nam, dù Vinfast mới bắt đầu bước chân vào sản xuất ô tô; nhưng đã đặt ra mục tiêu sản xuất ô tô điện để cung cấp cho thị trường từ cuối năm 2019. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô điện nước ngoài cũng khá quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cụ thể, mới đây, Mitsubishi cho biết có chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thay thế xe động cơ đốt trong bằng xe điện mới chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề ùn tắc vẫn còn đó. Do đó, các nhà quản lý cần có các biện pháp phù hợp giữa sản xuất và giải quyết vấn đề ùn tắc