Nổ ra từ mùa hè năm nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phủ bóng đen, tác động tiêu cực lên hầu hết tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế lớn nhất nhì toàn cầu. Thị trường ô tô tại Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ.
Một nhà máy chế tạo ô tô tại Trung Quốc
Doanh số giảm mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ
Thị trường xe hơi Trung Quốc đang phải chứng kiến sự sụt giảm trong 6 tháng liên tiếp. Theo số liệu mới nhất được Hiệp hội xe Trung Quốc công bố, trong tháng 11 vừa qua, doanh số bán lẻ của tất cả các dòng sedan, SUV và MPV tại đất nước tỷ dân đã giảm 18%, xuống còn 2,05 triệu chiếc. Trước đó, vào tháng 10, nó cũng đã giảm 11,7%.
Năm 2017, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) dự đoán lượng tiêu thụ xe hơi trong năm nay sẽ tăng 3%. Tuy nhiên, dựa theo số liệu 10 tháng đầu năm 2018, doanh số chỉ đạt 22,87 triệu xe, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kể từ năm 1990 đến nay, đây là lần đầu tiên thị trường này phải chứng kiến sự sụt giảm về doanh số.
Trong hơn 20 năm qua, các nhà sản xuất ô tô lừng danh cũng như của riêng Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng các nhà máy tại nước này. Nhưng giờ đây, họ cần phải xem xét lại các kế hoạch mở rộng trong tình hình mới.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ giữa năm 2018. Theo các nhà phân tích, ngành ô tô với quy mô khổng lồ, đầu tàu tăng trường kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm, chững lại sẽ là mối lo không nhỏ đối với chính quyền Bắc Kinh.
Mới đây nhất, vào ngày 3/12, Tổng thống Donald Trump đã đăng tải dòng Tweet cho biết, Trung Quốc đã nhất trí giảm và bỏ thuế với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ.
Điều này làm dấy lên những hy vọng cho các nhà sản xuất về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 nước trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hy vọng của các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc.
Khó khăn chồng chất
Không chỉ do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự phổ biến của các dịch vụ chia sẻ xe, cùng việc Chính phủ siết chặt kiểm soát các xe phát thải nhiều, gây ô nhiễm không khí, đã khiến nhu cầu mua xe cá nhân tại Trung Quốc giảm mạnh.
Một thách thức khác đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chính là sự gia tăng của các thương hiệu lớn trên thế giới, đang đổ về đầu tư vào Trung Quốc ngày càng nhiều, sau khi chính phủ mở cửa nền kinh tế, như một phần của thỏa thuận với Hoa Kỳ nếu muốn khơi thông căng thẳng thương mại hiện nay.
“Ông lớn” BMW của Đức hồi tháng 10 đã công bố một thỏa thuận 4,1 tỷ USD để giành quyền kiểm soát liên doanh tại đất nước tỷ dân. Họ đã tận dụng việc Bắc Kinh từ bỏ quy định bắt buộc các hãng xe ngoại phải lập liên doanh 50:50 với doanh nghiệp nội địa mới được sản xuất xe tại Trung Quốc. BMW chính thức trở thành công ty nước ngoài đầu tiên có tỷ lệ sở hữu lên đến 75%.
Sau thành công này, một loạt các nhà sản xuất ô tô lớn khác như: Daimler, Volkswagen và General Motors cũng có động thái tương tự BMW, để chủ động hơn trong các kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc.
Nhiều thương hiệu xe trên thế giới cũng đang tăng cường sản xuất, mở rộng công xưởng tại quốc gia châu Á này, nhất là trong lĩnh vực chế tạo xe điện. Hồi tháng 10, “gã khổng lồ” Tesla đã tiết lộ kế hoạch đầu tư đến 6 tỷ USD mở một nhà máy tại Thượng Hải, để có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Trước tình hình không mấy khả quan, nhưng nhiều hãng xe vẫn bày tỏ niềm tin vào sự tăng trưởng trở lại của thị trường ô tô Trung Quốc. Theo dự đoán của các nhà sản xuất ô tô, trong tương lai, doanh số xe sẽ tăng trở lại, khi mà tầng lớp trung lưu tại quốc gia này đang ngày càng đông hơn. Bên cạnh đó, các mẫu xe điện mới, thân thiện với môi trường được hứa hẹn sẽ thu hút người tiêu dùng.