Chiến lược giảm ùn tắc giao thông của Jakarta

Thứ tư, 20/02/2019 10:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Jakarta (Indonesia), một trong những thành phố tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới bắt đầu dự án quy mô nhất từ trước đến nay để mang lại sự thông thoáng hơn cho thành phố.

Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng thường thấy tại Jakarta. Ảnh: bafletthink

Bất cứ ai đến Jakarta đều có thể chứng kiến tình trạng tắc nghẽn giao thông ở đây khủng khiếp đến mức nào. Đơn cử như thành phố Bogor chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng 40km nhưng mọi người phải mất 2 giờ lái xe tới chỗ làm. Còn những ngày tắc đường nghiêm trọng hơn thì thời gian này còn kéo dài nhiều hơn nữa.

Nhà báo nổi tiếng của Indonesia Seno Gumira Ajidarma thậm chí cho rằng trung bình mỗi người dân Jakarta hoài phí 10 năm tuổi thọ để chen lấn nhau trên những con đường xe cộ kẹt cứng. Trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy tắc nghẽn giao thông trong nội đô và khu vực lân cận Jakarta gây tổn thất lên tới 65 nghìn tỷ rupiah (tương đương gần 4,7 tỷ USD) mỗi năm.

Để giải quyết cơn ác mộng giao thông Jakarta, Chính phủ Indonesia bắt đầu triển khai hệ thống giao thông nhanh (MRT) bắt đầu từ tháng 3 tới, sau đó là hệ thống giao thông xe lửa hạng nhẹ (LRT),  với hy vọng thay đổi diện mạo giao thông hiện nay.

Trong giai đoạn đầu tiên, 14 chuyến tàu lưu thông phục vụ cho MRT có chiều dài 16km chạy đến trung tâm thủ đô và có năng lực vận chuyển 130.000 hành khách mỗi ngày, hoạt động từ 5 giờ sáng đến nửa đêm, trong khi 2 tàu khác vẫn ở chế độ chờ trong trường hợp khẩn cấp. 

Đối với khu dân cư đông đúc Lebak Bulus ở ngoại ô phía nam, tuyến đường trải dài đến khu vực trung tâm thương mại của thành phố Jakarta khi áp dụng MRT sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ 90 phút hiện nay xuống còn chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Indonesia vận hành thử nghiệm hệ thống MRT trước khi chính thức đưa vào
hoạt động từ tháng 3 năm nay. Ảnh: Jakartapost

Dự án MRT và RLT tạo thành một phần của tuyến giao thông Bắc - Nam và Đông - Tây. Giá vé đề xuất là 8.500 rupiah (0,6 USD) cho 10km. Ban đầu, kinh phí này sẽ được Chính phủ trợ cấp.

Được sản xuất bởi Công ty Nippon Sharyo của Nhật Bản, mỗi chiếc tàu có chiều rộng 20m, chiều dài 2,9m và chiều cao 3,9m, có thể chứa 1.950 hành khách. Đặc biệt trên toa có chỗ ngồi ưu tiên cũng như không gian cho xe lăn và xe đẩy dành cho người khuyết tật. Tốc độ di chuyển khác nhau giữa 80km/h ở đường ray trên cao và 100km/h dưới mặt đất.

Giám đốc dự án MRT, ông William Sabandar cho biết: “Đây là thời điểm thay đổi Jakarta. Chúng ta cần tạo ra một nền văn hóa mới, nơi giao thông thoải mái, an toàn, đáng tin cậy và luôn đúng giờ”.

Jakarta cũng theo đuổi mô hình giao thông thông minh, sử dụng các dữ liệu thu được tính toán và kiểm soát được phương tiện giao thông hàng ngày cũng như dự báo xử lý các tình huống giao thông có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thành phố đã đặt ra các mục tiêu giao thông đầy tham vọng. Đó là đến năm 2030, Jakarta chuyển 60% tỷ lệ di chuyển trong đô thị sang giao thông công cộng.

Nhiều năm qua, để giảm ùn tắc giao thông, chính quyền thành phố Jakarta áp dụng không ít giải pháp như cấm phương tiện cá nhân và áp dụng việc lưu thông biển số ô tô chẵn - lẻ ở một số tuyến đường nội đô. Tuy nhiên, giải pháp này được cho không mang lại hiệu quả cao như mong đợi.

hoavt

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)