Nếu như cách đây vài năm, các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe Uber, Lyft tại Mỹ phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ tài xế taxi truyền thống thì nay họ phải đương đầu trước những cuộc biểu tình dữ dội của chính cánh lái xe hợp tác với họ vì bất cập về lương và chế độ đãi ngộ.
CEO NYTWA Bhairavi Desai (giữa) cùng các tài xế biểu tình
bên ngoài Sở giao dịch Chứng khoán New York ngày 8/5
10.000 tài xế New York đình công
Tuần vừa qua, hàng nghìn tài xế hợp tác với Uber, Lyft trên khắp nước Mỹ đã đồng loạt tắt ứng dụng gọi xe trong giờ cao điểm để biểu thị thái độ phản đối về lương và điều kiện làm việc tại các công ty hàng đầu về taxi công nghệ.
Theo Liên minh Công nhân Taxi New York (NYTWA), nhà tổ chức hoạt động trên, ước tính có 10.000 tài xế New York hưởng ứng lời kêu gọi. Riêng tại điểm biểu tình bên ngoài một toà nhà ở quận Queens, nơi có văn phòng của cả Uber và Lyft, khoảng 100 người tham gia biểu tình, cầm biển hiệu “Làm việc chăm chỉ = Trả lương công bằng”.
Một nhóm khác biểu tình bên ngoài trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán New York, nơi Uber đã niêm yết cổ phiếu, nhiều người mang biển viết “Đầu tư vào cuộc sống của tài xế - Chứ không phải cổ phiếu của cổ đông”. Số khác gắn biển biểu tình lên xe và diễu hành qua cầu Brooklyn.
Một số hoạt động tương tự được tổ chức tại nhiều thành phố khác của Mỹ, bao gồm Boston, Chicago, Los Angeles, Minneapolis, Philadelphia, San Diego, San Francisco và Washington. Các hoạt động này cũng lan rộng tới các tài xế Uber tại London (Anh).
Các cuộc đình công đang lan rộng trên toàn cầu chỉ trong vài ngày
Cáo buộc Uber, Lyft “không sòng phẳng”
Làn sóng biểu tình nổi lên chỉ vài tuần sau khi Lyft lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Wall Street và vài ngày trước khi Uber chào bán một lượng cổ phiếu khổng lồ, dự kiến định giá “ông lớn” làng xe công nghệ lên tới 90 tỷ USD.
Các tài xế cho rằng Uber và Lyft hiện đang trả lương không tương ứng với mức giá tăng cao của các chuyến đi. Không những thế, Uber hồi tháng 3 đã cắt giảm 25% tiền lương/mỗi dặm cho tài xế ở TP Los Angeles và một phần của quận Cam.
Do đó, các tài xế đình công để yêu cầu Uber đưa ra chính sách chi trả hợp lý hơn và đảm bảo mức lương gộp tối thiểu 28 USD/giờ hoặc 17 USD/giờ sau khi bao thanh toán chi phí xăng, phí cầu đường và các chi phí khác.
Các tài xế cũng đang phản đối việc các hãng gọi xe công nghệ sa thải tài xế một cách không công bằng và không báo trước.
“Khi tài xế bị sa thải bằng việc bị khóa quyền tiếp cận ứng dụng gọi xe, họ không nhận được thông báo trước cũng như không có quy trình kháng cáo.
Điều này không những khiến họ bị mất thu nhập, mà còn phải gánh một khoản lớn chi phí cho chiếc xe, phương tiện mà họ phải mua để có được công việc này”, Giám đốc điều hành (CEO) NYTWA Bhairavi Desai cho biết.
Theo bà Desai, các cuộc đình công đang lan rộng trên toàn cầu chỉ trong vài ngày đã cho thấy tính cấp bách của vấn đề này và sự thống nhất giữa các tài xế Uber, Lyft cũng như sự tức giận của họ trên toàn cầu.
Làm 70 giờ/tuần vẫn là bán thời gian
Bình luận về diễn biến trên, Uber nêu rõ trong tuyên bố ngày 8/5 rằng vẫn đang nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho các tài xế và khẳng định họ là trung tâm của dịch vụ mà Uber đang cung cấp.
Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện lại cho báo cáo trái ngược với những gì các hãng gọi xe công nghệ công bố. Viện Chính sách kinh tế Mỹ ước tính, tài xế Uber hiện thu nhập khoảng 9,21 USD/giờ sau khi trừ các loại phí, phần trăm chia cho hãng, chi phí liên quan tới phương tiện và bảo hiểm y tế. Mức thu nhập này hiện đang thấp hơn nhiều so với 5 năm trước đây.
Hòa trong đám đông biểu tình, ông Inder Parmar, một tài xế bắt đầu làm việc cho Uber từ năm 2013 ví công việc này như một “lao động nô lệ”.
Theo tài xế này, ông nhận được trung bình 37 USD/giờ vào năm 2014, nhưng tới giờ, thu nhập chỉ dao động ở khoảng 9-12 USD/giờ.
Ông Parmar đã tới văn phòng Uber để khiếu nại nhưng nhận được câu trả lời là kể cả làm việc 70 giờ/tuần, ông vẫn chỉ được coi là lao động bán thời gian. Uber khuyên các tài xế nên chuyển công việc khác nếu muốn lương cao hơn.
Tuy nhiên, khoản đầu tư 70.000 USD cho chiếc xe cũng như chi phí bảo hiểm và đăng ký để trở thành một tài xế của Uber hiện đang là rào cản khiến ông Parmar không muốn tìm công việc khác.
Giáo sư Đại học Syracuse, ông Austin Zwick, người nghiên cứu về nền tảng công nghệ chia sẻ xe cho biết, các hoạt động biểu tình này là nỗ lực nhằm cân bằng lại quyền lực giữa tài xế hợp tác và các hãng công nghệ khi hiện nay các hãng này đang nắm trong tay “quyền sinh quyền sát”, được tự quyết định việc trả thù lao cùng nhiều lợi ích khác.
Theo ông Zwick: “Cuộc biểu tình này sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và bước đầu tạo dựng những sự ủng hộ về chính trị để thông qua các quy định liên quan tại địa phương và bang”.