Nếu như trong thế kỷ 19, đề tài được nhắc đến nhiều nhất là cơn sốt vàng ở Mỹ thì thế kỷ 21 này, người ta đổ xô chạy đua khai thác một loại khoáng chất không phải kim loại quý, dầu mỏ hay khí đốt mà là lithium (hay còn được gọi là dầu trắng). Và đất nước đang trên đà thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu chính là Trung Quốc - điều cả Mỹ và các nước châu Âu đang rất lo sợ.
Trung Quốc tự hào tìm ra công nghệ chiết xuất lithium mới giúp hạ giá thành pin xe điện tới mức thấp nhất
Công nghệ giúp giảm giá pin kỷ lục
Lithium đã trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng trong nền kinh tế công nghệ cao hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất pin cho ô tô điện (EV). Nếu như trước đây, giá thành sản xuất loại pin này rất cao, thì nay, với đột phá trong công nghệ do người Trung Quốc phát triển, việc sản xuất pin lithium trở nên dễ dàng và rẻ hơn nhiều, kéo theo nhu cầu lithium tăng mạnh, dự kiến đưa Bắc Kinh lên ngôi vị thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lithium được chiết xuất từ nước biển nhưng việc phân tách khoáng sản này với các nhân tố khác tồn tại trong muối vẫn là thách thức toàn cầu. Chẳng hạn, ma-giê rất khó để phân biệt với lithium vì 2 khoáng chất này có thành phần ion tương đương nhau.
Song, theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc mới công bố, nước này đã tìm ra cách phân tách lithium với các khoáng chất khác đặc biệt là ma-giê với chi phí phải chăng thông qua nhiều giai đoạn bằng phương pháp xử lý lọc màng và điện tử phức tạp. Phương án mới là kết quả của dự án nghiên cứu kéo dài suốt 15 năm do Viện Khoa học Trung Quốc tài trợ.
Nhờ công nghệ mới, chi phí chiết xuất “dầu trắng” được giảm tới mức thấp kỷ lục - khoảng 15.000 nhân dân tệ (tương đương 2.180 USD)/tấn, so với giá lithium quốc tế từ 12.000 USD đến 20.000 USD/tấn và giá hợp đồng dài hạn là khoảng 17.000 USD/tấn trong năm ngoái.
Thực tế hiện nay, không ai biết giá sản xuất lithium chính xác là bao nhiêu nhưng theo nhiều nguồn tin nội bộ ngành, con số 15.000 nhân dân tệ được nêu ở trên có thể coi là một trong những mức giá phải chăng, nếu không nói là thấp nhất.
Tiến sĩ Ren Dongming, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng tái tạo trực thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc nhận định, công nghệ chiết xuất lithium mới sẽ hấp dẫn nhiều công ty tham gia, từ đó giá pin điện sẽ cạnh tranh hơn, cuối cùng người có lợi nhất chính là khách hàng.
“Lithium rẻ hơn còn có lợi cả cho các nhà sản xuất ô tô như hãng xe điện Tesla (Mỹ)”, cũng theo ông Ren. Bởi hiện nay, chi phí sản xuất pin đang chiếm khoảng 30-50% chi phí sản xuất xe điện.
Về lâu dài, giá xe điện thấp, số km/lần sạc dài hơn và cơ sở hạ tầng như trạm sạc được cải thiện sẽ đưa loại phương tiện không phát thải trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn với người mua ô tô.
Trung Quốc sẽ thống trị ngành pin ô tô điện?
Nếu nói về sản lượng lithium, Trung Quốc không phải là cao nhất, thậm chí là tương đối thấp nhưng họ lại chiếm lĩnh nguồn cung các sản phẩm cuối cùng, sản xuất gần 2/3 lượng pin lithium trên toàn thế giới. Trong khi, Mỹ chỉ có 5%.
Các nước sản xuất lithium lớn nhất hành tinh là Australia và Chile, nhưng các nước này lại bán hầu hết sản lượng của họ cho Trung Quốc. Theo dữ liệu do trung tâm Benchmark Minerals Intelligence cung cấp, Bắc Kinh kiểm soát gần như tất cả các cơ sở xử lý lithium trên toàn cầu.
Vài năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc thi nhau thu mua mỏ ở một số nước giàu lithium như Argentina và Australia. Riêng tại Nam Mỹ, đất nước đông dân nhất đã đầu tư 4,2 tỉ USD vào các thoả thuận lithium.
Trung Quốc cũng kiểm soát 60% năng suất sản xuất pin điện. Tính đến năm 2030, Goldman Sachs dự đoán “con rồng châu Á” có thể cung cấp pin cho 60% tổng số xe điện trên toàn cầu.
Nếu pin hạ giá, các hãng sản xuất xe điện như Tesla sẽ được hưởng lợi
Mỹ, Châu Âu vội bám đuổi
Những động thái này làm dấy lên nhiều nghi ngờ Bắc Kinh đang tích trữ tài nguyên nội địa đồng thời kiểm soát các nguồn cung “dầu trắng” trên toàn cầu. Lo ngại kịch bản này xảy ra, Mỹ - nước đang chiến tranh thương mại với Trung Quốc - và châu Âu bắt đầu xúc tiến một số động thái để hạn chế Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng ô tô điện.
Trong đó, Mỹ vừa sửa đổi bổ sung dự thảo Luật An ninh khoáng sản năm 2015, điều chỉnh một số quy định và đẩy nhanh tiến trình cấp phép mỏ lithium, graphite cùng một số khoáng sản khác sử dụng trong quá trình sản xuất pin.
Khoảng giữa tháng 5, Ủy ban Tài nguyên thiên thiên và năng lượng thuộc Thượng viện Mỹ tổ chức một cuộc điều trần về dự luật trên và bước đầu nhận được sự ủng hộ từ Thượng Nghị sĩ của cả hai đảng.
Nhiều quan chức từ Bộ Năng lượng và nội vụ của chính phủ Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ động thái trên. “Chúng tôi cam kết sẽ sản xuất các khoáng sản có nguồn gốc từ nội địa”, ông Joe Balash, trợ lý Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đất đai và quản lý khoáng sản phát biểu trong cuộc điều trần. Dù vậy, cuối cuộc họp, các Nghị sĩ vẫn chưa chốt thời gian sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski cùng Thượng nghị sĩ Joe Manchin, tác giả của dự luật này cho biết, việc Trung Quốc dẫn đầu chuỗi cung ứng ô tô điện sẽ cho phép họ trên cơ Mỹ trong tranh chấp thương mại đang nóng bỏng giữa hai nước. “Thách thức lớn nhất của tôi hiện tại là thuyết phục các thành viên khác của Quốc hội để họ hiểu vì sao dự luật này cần phải là ưu tiên quốc gia”, bà Lisa nói.
Mỹ không phải nước duy nhất “vắt chân lên cổ” đuổi kịp Trung Quốc. Pháp và Đức cũng đã đề nghị Ủy ban Châu Âu ủng hộ thành lập một tập đoàn các công ty sản xuất pin trị giá 1,9 tỉ USD với mục đích hạn chế khả năng thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.