Việc giảm sâu giá vé để nhiều người tại châu Á có thể đi máy bay cũng đồng nghĩa các hãng hàng không sẽ cắt bớt rất nhiều tiện ích.
Nhiều máy bay được thiết kế lại để tạo không gian nhồi thêm ghế
Trong đó có hạn chế tối đa khoảng không trên tàu bay, tăng thêm ghế ngồi là cách nhiều hãng hàng không áp dụng theo dự đoán của nhiều chuyên gia.
Thiết kế lại máy bay để “nhồi” thêm ghế
Dự kiến, đến năm 2036, châu Á - Thái Bình Dương sẽ đón khoảng 4 tỷ lượt người lên tàu bay, chiếm một nửa so với nhu cầu của phần còn lại trên thế giới. Từ nay tới thời điểm đó sẽ là khoảng thời gian để các hãng hàng không giá rẻ xây dựng chiến lược, đầu tư, mua thêm máy bay đón đầu nhu cầu đang bùng nổ.
Trong số các hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á chi tiền nhiều tại Triển lãm Hàng không Paris, Cebu Pacific và AirAsia đều mua hoặc nâng cấp máy bay để có thể chở số lượng kỷ lục hành khách.
Theo một báo cáo, hãng hàng không của Philippines Cebu thông báo mua 31 máy bay Airbus Neo trong đó có 16 chiếc A330-900 neo thân rộng và 15 chiếc A320 neo thân hẹp với giá lên tới 6,8 tỉ USD.
AirAsia, tập đoàn hàng không giá rẻ thống trị Đông Nam Á đã nâng cấp một đơn hàng từ 253 chiếc Airbus A320 neo sang mẫu A321 neo một lối đi lớn nhất, được cấp phép để lắp tới 244 ghế. Hãng hàng không của Malaysia khẳng định, đơn hàng nâng cấp này của họ nhằm đáp ứng nhu cầu bay tăng mạnh tại châu Á.
Đáng chú ý là đơn hàng mua A330-900 neo của Cebu. Dòng máy bay này được thay đổi cấu trúc nhà bếp, vệ sinh nhỏ hơn, đưa thêm ghế mỏng và không có khoang thương gia, cho phép hãng hàng không này chở tới 460 khách/chuyến.
Thiết kế ghế mỏng hơn, hẹp và không ngả ra sau đồng nghĩa chỗ để chân của khách chỉ còn khoảng 28-29 inch (71-73cm), chuyên phục vụ các chuyến bay đường dài.
Theo ông Michael Szucs, cố vấn điều hành của Cebu Pacific: So với các dòng A330 hiện tại của Cebu Pacific, loại máy bay này sẽ bị giảm khoảng không để chân khoảng 1 inch song hành khách sẽ khó có thể nhận ra sự khác biệt.
Chủ yếu máy bay có thể tăng ghế do ghế không thể ngả, từ đó tạo thêm không gian và chỗ để chân giữa các hàng ghế.
Hiện tại, Cebu đang vận hành máy bay với 436 chỗ tới Hong Kong hàng ngày. Cố vấn của Cebu nhận định: “Châu Á là khu vực phát triển nhanh và nhu cầu hàng không tăng cao.
Các hãng hàng không giá rẻ đã thúc đẩy ngành du lịch tại đây. Sức tăng trưởng trong vòng 1 thập kỷ qua tăng lên mức 2 con số. Mặc dù tại Đông Nam Á, mức độ đi lại vẫn còn thấp nhưng đây là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới”.
Ngoài hai hãng trên, Cathay Pacific của Hong Kong cũng mua máy bay Boeing 777-300 có thiết kế dài và rộng hơn dòng A330, có thể chở 438 khách, sử dụng cho các chuyến bay trong khu vực.
Muốn rộng rãi phải chi thêm tiền
Air Asia mới nâng cấp đơn hàng máy bay của Airbus để đáp ứng nhu cầu hàng không tăng mạnh tại châu Á
Ông Samuel Engel, người đứng đầu ngành hàng không của công ty tư vấn ICF cho biết: “Nhu cầu hiện tại và mức độ phát triển trong tương lai của ngành vận tải hàng không châu Á rất lớn và nó đã được đáp ứng nhờ các hãng hàng không giá rẻ tìm mọi cách hạ giá vé cạnh tranh hết sức có thể.
Người châu Á sẽ giống như phần còn lại trên thế giới. Trong tương lai, họ sẽ phải chịu cảnh nhồi nhét và chật chội trên máy bay. Nếu muốn rộng rãi hơn buộc phải chi thêm tiền. “Giá vé sẽ tương ứng với mức độ thoải mái và mức độ uy tín của hãng”, ông Engel nhận định thêm.
Trước xu hướng này, nhiều hành khách như cô Ana Lea, 34 tuổi, một khách hàng trung thành của Cebu Pacific tại Hong Kong lo ngại máy bay đang ngày càng chật chội và không thoải mái: “Nếu họ nhồi thêm nhiều ghế lên máy bay, chắc chắn những hành khách như tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu”, cô Ana Lea lo ngại.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Kai-Chin Shih, nhà nghiên cứu nội thất máy bay tại Trung tâm Hàng không CAPA, thực tế là chính khách hàng đang chạy theo giá vé rẻ và các hãng hàng không chỉ đáp ứng theo nhu cầu đó.