Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn thứ 2 thế giới cũng đang dốc sức để trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện toàn cầu.
Ấn Độ muốn kích cầu để xe điện thân thiện với môi trường sẽ dần thay thế
các phương tiện chạy xăng, dầu truyền thống trong tương lai không xa
Không chỉ có Trung Quốc - đất nước đông dân số 1 thế giới huy động toàn lực để dẫn đầu ngành xe điện mà Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn thứ 2 thế giới cũng đang dốc sức để trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện toàn cầu khi tung ra những gói tài chính phóng khoáng, đồng thời nới lỏng các quy định quản lý nhằm khuấy động nhu cầu mua xe.
Tăng ưu đãi, kích nhu cầu
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman công bố gói ngân sách trong đó Chính phủ sẽ giảm khoảng 150.000 rupee (tương đương 2.185 USD) trong thuế thu nhập bổ sung trên lãi suất khi người dùng vay mua xe điện. Những người mua loại xe thân thiện môi trường này có thể hưởng lợi tổng cộng 250.000 rupee trên tổng giai đoạn vay.
Nhận định về mục đích của Ấn Độ, ông Puneet Gupta, Giám đốc chuyên về mảng dự đoán thị trường ô tô tại IHS Markit chia sẻ: “Chính phủ đang nỗ lực để tạo ra nhu cầu mới nhờ đó hỗ trợ các nhà sản xuất thiết bị”. Bởi, theo ông Gupta, các nhà sản xuất ô tô tại New Delhi từng phàn nàn rằng họ không thể tăng cường sản xuất xe điện với số lượng lớn vì nhu cầu mua xe thấp.
“Tôi nghĩ, điều đầu tiên Chính phủ cần thực hiện là kích thích nhu cầu. Bởi ngay lúc này, nếu bạn quan sát sẽ thấy, chúng ta đang bán chưa đến 2.000 chiếc ô tô điện/năm - con số không đáng kể trong khi Ấn Độ có khoảng 4 triệu ô tô hạng nhẹ như ô tô con, SUV và xe bán tải”, ông Gupta nói.
Để kích thích thêm, Ấn Độ cũng giảm chi phí thuế của ô tô điện so với những phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. Ông Gupta giải thích, một chiếc SUV dùng nhiên liệu bị đánh 28% Thuế Dịch vụ và sản phẩm (GST), thuế giá trị gia tăng khoảng 20%. Mặt khác, ô tô điện có giá bán trung bình khoảng 1,3 triệu rupee (khoảng 19.000 USD) và vốn bị đánh thuế GST 12% nay đã được hạ xuống còn 5%.
Lý do khiến Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh thị trường xe điện một phần nhằm giảm mức độ ô nhiễm nguy hiểm tại các đô thị lớn, phần khác để giảm phụ thuộc vào dầu. New Delhi là nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ nên rất dễ chịu ảnh hưởng mạnh khi giá dầu thô toàn cầu leo thang.
Con đường dài phía trước
Xe điện trên toàn cầu đang ngày càng rộng mở, trong đó các nước như Trung Quốc, Mỹ và một số thành viên Liên minh châu Âu đang dẫn đầu. Một báo cáo tổng quan vừa được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi tháng 5 cho thấy, số lượng xe điện trên thế giới đạt hơn 5,1 triệu chiếc, tăng 2 triệu chiếc so với cùng kỳ năm ngoái và gần gấp đôi doanh số ô tô điện.
Trung Quốc vẫn là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2030, dự kiến Bắc Kinh sẽ sở hữu 57% tổng thị trường xe điện - IEA cho biết trong báo cáo.
Về phần mình, phía trước Ấn Độ vẫn còn con đường dài để xe điện có thể giữ vị trí vững chắc trên thị trường ô tô nội địa. Ông Gupta cho biết, HIS Markit dự đoán, xe điện Ấn Độ sẽ chiếm khoảng 4% doanh số thị trường ô tô tính đến năm 2030, tương đương khoảng 400.000 chiếc.
Để thực sự đưa xe điện vào cuộc sống, kích cầu vẫn chưa đủ, còn nhiều thử thách mà Ấn Độ cần vượt qua như xây dựng hạ tầng, cải thiện công nghệ. “Chúng tôi không đặt mục tiêu đưa xe điện chiếm 20%, 30%, 50% thị trường xe. Ở đây, chúng tôi chỉ nói về kích cầu thị phần. Nếu người dân Ấn Độ cảm thấy bị thuyết phục, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh”, ông Gupta cho hay.
Song, theo nhiều chuyên gia, triển vọng phát triển xe điện tại Ấn Độ không quá sáng. Đánh giá xe điện toàn cầu do Công ty Nghiên cứu BloombergNEF thực hiện cho rằng, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ sẽ chấp nhận các loại xe thân thiện môi trường khó hơn không chỉ Trung Quốc hay phương Tây mà cả phần còn lại của thế giới, dẫn tới thị trường ô tô toàn cầu bị phân đoạn.
Theo báo cáo này, sở dĩ vậy vì khoảng cách giá tại Ấn Độ không dễ để xóa bỏ. “Các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Ấn Độ hiện đang rẻ gần như hơn tất cả các nơi khác trên thế giới”, ông Deepesh Rathore, Giám đốc Công ty Tư vấn ô tô thị trường mới nổi nói.