Để có thể mở rộng các trạm sạc điện, Trung Quốc đã cho các công ty tư nhân tham gia đầu tư và xây dựng loại hạ tầng đặc biệt này.
Trạm sạc của Tập đoàn Mạng lưới điện Quốc gia tại Thạch Gia Trang, Trung Quốc
Là một trong những nước đi đầu trong cuộc cách mạng xe điện (EV), Trung Quốc đổ rất nhiều tiền vào phát triển công nghệ cũng như kích thích nhu cầu sử dụng loại xe thân thiện môi trường này.
Tuy nhiên, để phương tiện này thực sự đi vào đời sống con người, vấn đề hạ tầng sạc cần phải được quan tâm và cải thiện triệt để bởi hiện tại chi phí và thời gian tái nạp năng lượng đang là trở ngại khiến nhiều người chần chừ mua xe EV.
Thiếu hạ tầng sạc
Trung Quốc đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới nhưng đất nước này lại gặp khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng sạc xe vì chi phí cao, tần suất sử dụng thấp và thiếu các tiêu chuẩn an toàn quốc gia.
Các nhà hoạch định chính sách ban đầu hy vọng các điểm sạc EV có thể được lắp kèm trên hệ thống 100.000 trạm xăng của nước này nhưng tính đến thời điểm này, chỉ có 50 trạm xăng có cơ sở sạc xe điện và đều chịu chung tình trạng “vắng như chùa bà đanh” vì các chủ xe EV thường chọn sạc ở nhà.
Bởi khi sạc xe ở nơi công cộng, chủ xe sẽ phải trả tiền gấp 3 lần sạc tại nhà, theo báo cáo từ Bloomberg New Energy Finance. Đó là vì việc sử dụng tiện ích công cộng sẽ phải chấp nhận mức phí tính tiền điện thương mại và phí phục vụ cao.
Hơn nữa, điều mà những người muốn sạc xe EV lo ngại hơn cả đó là thiếu sạc trong khu dân cư… Tính đến thời điểm này, các trạm sạc do Nhà nước làm chủ hầu hết đều được đặt ở nơi công cộng như các trạm bên đường cao tốc.
Để có thể mở rộng và tăng cường hiệu quả các trạm sạc điện, Trung Quốc đã mở cửa cho các công ty tư nhân tham gia đầu tư và xây dựng loại hạ tầng đặc biệt này.
Mỗi tài xế là tiểu thương bán điện
Hiện tại, rất nhiều công ty của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hạ tầng sạc, chủ yếu theo hình thức liên doanh. Hoạt động liên doanh giữa China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 đại lục cùng Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc là một trong những động thái như vậy.
Hai công ty liên doanh vốn 50:50, thành lập Công ty Năng lượng thông minh Guoheng, với mục đích đồng phát triển công nghệ sạc ô tô thông minh. Công ty mới có vốn đăng ký 180 triệu nhân dân tệ (khoảng 26,2 triệu USD).
Theo thông báo từ Evergrande, công ty Trung Quốc sẽ đưa công nghệ vehicle-to-grid (từ phương tiện đến mạng lưới điện) tới tất cả xe điện. Trong đó, các trạm cắm sạc thông minh sẽ được đặt ở chính các khu dân cư cho phép người sử dụng sạc xe điện trong bãi đỗ xe dân cư qua đêm.
Lúc đó, giá điện sẽ thấp hơn, giải quyết vấn đề e ngại chi phí sạc công cộng. Đáng chú ý, người điều khiển phương tiện có thể bơm điện từ xe trở lại mạng lưới điện và được trả tiền. Như vậy, mỗi ô tô sẽ hoạt động như một bộ trữ pin dự phòng, bán điện trở lại mạng lưới khi không dùng hết và mua điện khi cần.
Sáng kiến này sẽ biến hàng triệu tài xế trở thành những tiểu thương bán điện. Đây là ý tưởng được nhiều nhà sản xuất ô tô như Ford và BMW đã và đang thử nghiệm.
Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc cũng ký một thoả thuận tương tự với 3 công ty bất động sản lớn là China Vanke Co, Country Garden Holdings Co và Sunac China Holdings Ltd.
Cùng thời điểm này, công ty cung cấp phần mềm gọi xe qua điện thoại lớn nhất Trung Quốc - Didi cũng thành lập doanh nghiệp liên doanh với Tập đoàn sản xuất năng lượng, dầu khí Anh BP xây dựng hệ thống sạc cho xe điện tại Trung Quốc.
Các trạm sạc này được mở để phục vụ cho cả tài xế hợp tác với Didi và tài xế thông thường. Trạm sạc đầu tiên của BP tại Quảng Châu vốn đã được kết nối với Giải pháp Ô tô Xiaoju (XAS) mà Didi ra mắt vào tháng 4/2018, đưa tất cả các dịch vụ liên quan đến ô tô vào cùng một nền tảng.
XAS là một phần trong quá trình phát triển từ công ty cung cấp nền tảng chia sẻ xe lên nền tảng dịch vụ vận tải trong đó các dịch vụ của hãng này cũng mở cho cả các phương tiện khác ngoài những ô tô hợp tác với Didi, các công ty vận tải và hậu cần (logistics).