Ấn Độ và Pháp sẽ phát triển và sản xuất một chùm các vệ tinh có khả năng giám sát các tàu hoạt động trên Ấn Độ Dương, phát hiện các vết dầu và truy tìm nguồn gốc của chúng.
Ấn Độ và Pháp sẽ xây dựng hệ thống giám sát tàu biển tự động
từ không gian đầu tiên trên thế giới
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi ngày 24/8, Ấn Độ và Pháp sẽ hợp tác cùng xây dựng và vận hành hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trên nền tảng không gian đầu tiên trên thế giới để giám sát các tàu thương mại theo thời gian thực.
Thông báo của Trung tâm nghiên cứu không gian Pháp (CNES) cho biết thỏa thuận hợp tác nêu trên đã được ký giữa cơ quan này với Cơ quan nghiên cứu không gian vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ngày 23/8 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Pháp.
Theo thỏa thuận, Ấn Độ và Pháp sẽ phát triển và sản xuất một chùm các vệ tinh mà hai bên đã nghiên cứu trong hơn 1 năm qua.
CNES cho biết các vệ tinh này mang theo AIS, radar và các thiết bị viễn thám có khả năng giám sát các tàu hoạt động trên Ấn Độ Dương, phát hiện các vết dầu và truy tìm nguồn gốc của chúng.
Theo CNES, hệ thống này sẽ bao phủ một vành đai rộng khắp toàn cầu, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nước Pháp.
Công ước quốc tế của Tổ chức Hàng hải Quốc tế về an toàn biển (SOLAS) yêu cầu AIS phải được trang bị trên tất cả các tàu có tổng trọng tải từ 300 GT tham gia vận chuyển quốc tế hoặc tàu từ 500 GT không tham gia vận chuyển quốc tế cũng như tất cả các tàu chở khách không phân biệt kích cỡ.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2004.
AIS được thiết kế để cung cấp thông tin về một con tàu cho các tàu khác và cho chính quyền ven biển.
Theo một quan chức, Ấn Độ đã xây dựng hệ thống nhận dạng và theo dõi tầm xa (LRIT) cho các tàu cũng như hệ thống AIS trên mặt đất nhưng phạm vi và chức năng bị hạn chế.
Quan chức trên cho biết AIS từ vệ tinh sẽ thúc đẩy đáng kể cơ chế giám sát bờ biển và an ninh hàng hải của Ấn Độ.