Tắc đường tại Philippines được ví như “con quái vật” đang hoành hành dữ dội, gây tổn hại nặng nề về kinh tế. Để khắc chế vấn nạn này, Philippines đã đề xuất những giải pháp không tưởng như mở cửa trường học, ngân hàng 24 giờ hoặc chia ca cho các phương tiện lưu thông.
Xe buýt xếp hàng dài vì tắc đường tại Philippines
Đề xuất có một không hai trên thế giới
Đề xuất này do người phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo đưa ra với lời khẳng định chắc nịch nó có thể giảm số lượng phương tiện lưu thông trên đường, qua đó giúp giải quyết các vấn đề giao thông.
“Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta cần phải phân luồng một số dịch vụ hoạt động 24 giờ, chia thành ca đêm/ca ngày và như vậy lượng phương tiện sẽ được giảm tải”, ông Panelo nói trong một cuộc họp báo. “Liệu đã có hệ thống nào như vậy trên thế giới chưa? Tôi nghĩ là chưa. Vậy tại sao chúng ta không thử”, ông này nói thêm.
Người phát ngôn của Tổng thống khẳng định sẽ trình đề xuất này lên ông Duterte. Đây không phải lần đầu tiên ông Panelo đưa ra đề xuất để giải quyết thực trạng giao thông đáng ngại tại Philippines.
Hồi tháng 1, phát ngôn viên này cũng đưa ra ý tưởng rằng, các chủ lao động nên cho nhân viên làm việc ở nhà để hạn chế tắc đường. Mới đây, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê chuẩn Luật Làm việc tại nhà. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Duterte đang cân nhắc xây dựng các quy định, tạo môi trường làm việc đa dạng cho người dân.
Tuy nhiên, đề xuất mở trường học và ngân hàng 24 giờ không nhận được sự tán thành từ nhiều chuyên gia vì cho rằng đây là biện pháp bất khả thi. Việc đi học vào ban đêm ảnh hưởng tới hiệu suất và sức khoẻ của học sinh, đồng thời nếu ngân hàng mở ban đêm, chắc chắn sẽ không có khách hàng nào đến giao dịch.
Cách đây không lâu, Manila cũng thử nghiệm chương trình cấm xe buýt tỉnh vào trung tâm thành phố, toàn bộ xe buýt qua đường cao tốc bao quanh Thủ đô phải đi vào hai làn màu vàng.
Theo tính toán mới nhất, có khoảng 6.500 xe buýt đi qua đường cao tốc này, trong đó một nửa là xe buýt nội thành và số còn lại là xe buýt tỉnh. Tuy nhiên, kết quả không những không giảm tắc nghẽn mà còn gây ra ùn tắc kinh hoàng hơn, đường cao tốc này bị nghẽn cục bộ, xe buýt trong làn vàng di chuyển nhích từng chút một, đến mức truyền thông địa phương phải dùng đến từ “quái vật” tắc đường.
Song, phía Chính phủ Manila vẫn bảo vệ phương án này vì nếu không, xe buýt sẽ di chuyển tràn lan sang các làn khác, gây mất trật tự giao thông.
Bộ Giao thông vận tải Philippines cũng đang nhắm tới kế hoạch xây dựng các “đường xanh” trên cao, đi xuyên qua hệ thống tàu điện Manila (Metro Manila) để khuyến khích người dân đi bộ đi làm, giúp giảm tắc nghẽn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Philippines Mark de Leon cho biết, Bộ này đã chuẩn bị ngân sách 7 tỉ peso (tương đương 360 triệu USD) để xây dựng đường xanh. Ông De Leon cho biết, các tuyến đường này đã được thiết kế rất hợp lý và tạo sự thoải mái cho những người lựa chọn đi bộ thay vì sử dụng phương tiện giao thông và dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm.
Thiệt hại 3,5 tỉ peso vì tắc đường
Thực trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng tại Manila đặt áp lực nặng nề lên Tổng thống Duterte bởi ông từng hứa hẹn khi vận động tranh cử là sẽ cắt giảm tắc đường trong tháng thứ 6 của nhiệm kỳ.
Thậm chí, tháng 6 vừa rồi, ông còn tuyên bố: “Các bạn chỉ cần chờ đợi thôi… Đến tháng 12, người dân Philippines sẽ không còn phải lo lắng về tắc đường nữa”. Tuy nhiên, đến nay, giao thông Manila vẫn như mớ bòng bong.
Theo nghiên cứu gần đây do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện, vấn đề tắc đường tại trung tâm Manila gây tổn thất về kinh tế tới 3,5 tỉ peso (hơn 67 triệu USD)/ngày.
Không dừng ở đó, trưởng đại diện Jica tại Philippines ông Susumu Ito còn dự đoán, Thủ đô Manila tiếp tục tắc nghẽn nặng nề hơn khi 4 tỉnh xung quanh thủ đô chứng kiến tăng trưởng nhanh hơn nữa. Nếu chính phủ sở tại không có động thái cải thiện, con số này sẽ tăng lên 5,4 tỉ peso/ngày tính đến năm 2035.