Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Manila - thủ đô Philippines - là thành phố tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất tại khu vực châu Á.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Manila - thủ đô Philippines
là thành phố tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất tại khu vực châu Á
Theo GMA News, ADB đã nghiên cứu giao thông ở 278 thành phố tại châu Á để xác định tình trạng tắc nghẽn. "Tắc nghẽn xảy ra khi nhu cầu đi lại vượt quá khả năng đáp ứng của mạng lưới giao thông thành phố", ADB định nghĩa.
Tính trên toàn bộ 278 thành phố, chỉ số tắc nghẽn trung bình là 1,24, có nghĩa là trung bình cần thêm 24% thời gian để đi lại trong giờ cao điểm so với cung giờ bình thường.
"Manila là thành phố tắc nghẽn nhất châu Á", ông Adbul Abiad - Giám đốc ADB phụ trách kinh tế vĩ mô, nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực - khẳng định.
Chỉ số tắc nghẽn của Manila là 1,5, cao nhất trong số 24 thành phố lớn nhất tại châu Á. Đứng sau là Kuala Lumpur (Malaysia) với chỉ số 1,4 và Yangoon (Myanmar) với chỉ số 1,38.
Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều có mặt trong nhóm 10 đô thị tắc nghẽn nhất theo đánh giá của ADB. Hà Nội đứng thứ 6 trong khi TP.HCM đứng thứ 10.
Theo Giám đốc Adbul Abiad, việc tốn 1-2 giờ đi lại trên đường phố vì tình trạng tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động của người dân thành phố.
ADB lưu ý rằng tình trạng dân số gia tăng nhanh ở các thành phố sẽ gây sức ép lớn lên khả năng di chuyển nội đô.
Giải pháp, theo ADB, là Manila nói riêng và các thành phố tắc nghẽn tại châu Á nói chung cần phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng. "Xây thêm nhiều hạ tầng giao thông công cộng và tạo không gian cho người đi bộ", ông Abiad nhấn mạnh.
Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến nền kinh tế Philippines thiệt hại khoảng 3,5 tỷ peso (khoảng 67 triệu USD) mỗi ngày.