Hệ thống xe bus Seoul: Tổ chức hợp lý, thu phí hiện đại

Thứ tư, 29/07/2009 07:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều người cho rằng, hệ thống xe bus thủ đô Seoul là điểm nổi bật, thể hiện toàn bộ nền tảng cơ sở hạ tầng xã hội của Hàn Quốc.
Ra đời năm 1948 với 270 chiếc xe bus đầu tiên, thành phố có làn đường dành riêng cho 7 tuyến buýt chính với tổng chiều dài lên tới 68km. Cùng với việc đưa tàu điện ngầm vào hoạt động năm 1974, hệ thống xe buýt cũng ngày được mở rộng hơn.
 
Sau đó thành phố thiết lập các làn đường dành riêng cho xe buýt để thuận tiện phân luồng giao thông. Thêm nhiều loại xe được đưa vào hoạt động để chuyên chở hành khách ở xa Seoul và các vùng ngoại ô. Hơn thế nữa, chính quyền thành phố cũng trợ cấp cho các công ty xe buýt để cải thiện chất lượng phục vụ, đồng thời cũng thiết lập hệ thống chuyển miễn phí giữa tầu điện ngầm và xe buýt, tạo một cuộc cách mạng về giao thông công cộng.
 
Tại Seoul có 3 bến xe bus tốc hành đường dài (Long Distance Express Buses): Seoul Express Bus Terminal (Gangnam Gosok Terminal), Dong Seoul Bus Terminal và Sangbong Bus Terminal. Bến xe Seoul Express Bus Terminal là bến xe bus chính cho các tuyến nối liền Seoul với các thành phố chính của Hàn Quốc, nằm ở ga cùng tên trên đường tàu số 3 và số 7.
 
Dong Seoul Bus Terminal phục vụ các tuyến tương tự nhưng với tần suất ít hơn và cũng ít điểm đến hơn, nằm cạnh ga Gangbyeon Station trên đường tàu số 2. Sangbong Bus Terminal phục vụ các tuyến đi Cheongju, Daejeon, Jeonju hoặc Gwangju nằm ở gần ga cùng tên trên đường tàu số 7.
 
Các tuyến xe bus tốc hành hạng sang đắt hơn các xe hạng trung bình một chút, tuy nhiên chúng được ưa chuộng do chỗ ngồi rộng rãi và có nhiều tiện ích như dịch vụ điện thoại di động và giải trí.
 
Ngoài ra, còn có hệ thống xe bus liên thành (Intercity Buses) rộng lớn liên kết hầu hết các thành phố và và thị trấn. Những xe bus này không cung cấp các tiện ích cho du khách nước ngoài, không có bảng giờ chạy bằng tiếng Anh và ghế ngồi cũng chật hẹp hơn xe bus tốc hành.
 
Bến xe bus liên thành thường nằm cùng một bến với xe bus tốc hành ở các thành phố lớn và gần khu downtown đối với các thành phố nhỏ. Hệ thống xe bus nội thành (City Buses) được đánh số theo tuyến và đi đến gần như mọi nơi trong thành phố. Các biển báo trên xe bus chỉ viết bằng tiếng Hàn, điều này có thể gây khó khăn cho người nước ngoài trong việc tìm đúng xe và đúng nơi cần đến.
 
Để dừng xe bus tại điểm cần đến, nhấn nút stop màu đỏ được gắn dọc vách xe khi tới điểm dừng, hoặc có thể nói với tài xế điểm đến khi lên. Trong nội thành Seoul cũng có cả xe bus tốc hành (jwajeok), ít dừng hơn và thường đi nhanh qua những khu vực đông dân.
 
Để dễ nhận biết, xe bus nội thành Seoul được phân loại theo màu sắc: Màu xanh: các tuyến bên ngoài khu downtown của Seoul; Màu xanh lá: đi vòng bên trong từng quận ở Seoul; Màu đỏ (tốc hành nội thành - jwaseok): nối khu downtown và các khu trung tâm mới với các thành phố xung quanh khu vực thủ đô; Màu vàng: di chuyển xung quanh khu vực trung tâm Seoul, kết nối các khu thương mại chính.
 
Để giúp sử dụng xe bus cũng như các phương tiện giao thông công cộng khác thuận tiện, năm 1996, chính quyền phát hành thẻ giao thông thông minh T-money được dùng cho xe bus, tàu điện taxi. Loại thẻ này còn được dùng để trả tiền đỗ xe, phí cầu đường và các tour du lịch văn hóa. T-money được cấp tại các điểm dừng xe bus, các ga tàu điện. Tiền vé được khấu trừ tự động trong thẻ khi quẹt qua đầu đọc thẻ trên xe bus hoặc tại cửa vào ở ga tàu.
 
Ra đời một thời gian ngắn, T-money các quốc gia khác coi như là một trong những sáng kiến lớn nhất về giao thông vận tải công cộng. Đội trưởng Đội chính sách xe buýt Seoul, Lee Ki-hyung cho biết: Seoul là thành phố duy nhất hệ thống này được áp dụng rộng rãi trên toàn đô thị và các thành phố khác đã lấy đó làm chuẩn. Năm ngoái thành phố Wellington của New Zealand đã nhập khẩu hệ thống thẻ giao thông T-money và chúng tôi cũng đang đàm phán với các thành phố khác ở Macao, Nga và úc.
 
Bắt đầu từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2010, thẻ T-money được phát miễn phí dành cho khách du lịch nước ngoài. Với những chiếc thẻ này, khách du lịch có thể sử dụng các dịch vụ giao thông như xe buýt sân bay, xe buýt trong nước, taxi, tàu điện ngầm, thậm chí có thể dùng tại một số cửa hàng tiện dụng và cửa hàng cho thuê máy móc trên cả nước. Thẻ cũng được dùng tại hệ thống xe cáp quốc tế do chính quyền thành phố Seoul điều hành.
GV

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)