Rất nhiều dự án xây dựng sân bay mới tại Mỹ được tư nhân đầu tư. Đây là điều mà từ trước nay Mỹ rất ít thực hiện.
Nhà ga thương mại mới của sân bay Paine Field, Everett, bang Washington
do một công ty tư nhân có trụ sở tại Seattle rót vốn và thực hiện
Trước nay, hầu hết các sân bay Mỹ thường được chính quyền quận, thành phố, bang hoặc trong một vài trường hợp là một cơ quan nhà nước sở hữu và vận hành. Nhưng nay khi hạ tầng hàng không đang ngày càng rệu rã, chính phủ lại kẹt tiền, rất nhiều dự án xây dựng sân bay mới tại Mỹ đã được mở cửa cho tư nhân đầu tư.
Vì sao Mỹ thay đổi?
“Tại Mỹ, bắt đầu từ Thế chiến thứ II, nguyên tắc vận hành sân bay đó là chính phủ địa phương sở hữu và khai thác, chính phủ liên bang cung cấp vốn xây dựng và một phần chi phí duy trì”, ông Peter Kirsch, đối tác chuyên về mảng giao thông của công ty luật Kaplan, Kirsch và Rockwell cho biết.
Kể từ đó đến nay, người ta thường có ác cảm về sở hữu tư nhân hoặc đầu tư vào hạ tầng công cộng. Chính phủ địa phương hoặc giới chức sân bay phải đi vay mượn để xây dựng. Nhưng nay nền kinh tế Mỹ và hệ thống luật về thuế đã thay đổi, đồng nghĩa, “lợi thế giữa vay tiền trong lĩnh vực công và tư nhân đã được thu hẹp”.
Vì hai nguồn lực của chính phủ để cung cấp tài chính cho sân bay là phí hạ tầng và “Chương trình Cải thiện Sân bay” nhiều năm nay không thay đổi trong khi các cảng hàng không lại khát vốn. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ chỉ biểu quyết ngân sách ngắn hạn nên giới chức sân bay khá khó khăn để lên kế hoạch trong dài hạn.
Theo tính toán mới được Hội đồng Sân bay quốc tế công bố, các cảng hàng không của Mỹ cần 128 tỉ USD vào chi tiêu hạ tầng trong 5 năm tới. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ đó, một số sân bay Mỹ bắt đầu bỏ mô hình sở hữu công và chuyển sang kêu gọi đầu tư tư nhân để thu hút hàng tỉ USD vào các dự án cải tạo, xây mới hạ tầng.
Nguồn vốn tư nhân được rót vào các dự án sân bay lớn và nhỏ, xây dựng các dịch vụ mới, cải tạo nhà ga cũ, theo nhiều hình thức điển hình là hợp tác công - tư (PPP).
Không chỉ vì lý do vốn, hình thức PPP được chọn để thực hiện các dự án sân bay còn bởi giới chức thiếu nhân viên về kỹ thuật, tài chính và vận hành trong khi đó các đối tác tư nhân có thể hỗ trợ tất cả các kỹ năng đó. Lý do khác nữa khiến chính phủ tìm tới PPP đó là để giảm rủi ro cho mình và chuyển bớt sang tư nhân.
Huy động hàng tỉ USD qua PPP đầu tư sân bay
Dự án sân bay lớn nhất sử dụng PPP có thể kể đến thương vụ hợp tác giữa bang New York và Cơ quan Quản lý cảng năm 2016 cùng Hãng hàng không Delta Air Lines và LaGuardia Gateway Partners để xây dựng lại hoàn toàn sân bay của bang.
Cuối cùng LaGuardia đang được nâng cấp với trị giá 8 tỉ USD. Tập đoàn LaGuardia Gateway Partners sẽ cung cấp tài chính, xây dựng và vận hành Nhà ga B. Theo công ty này, dự án tái phát triển dự kiến hoàn tất vào năm 2022 sẽ mang đến một loạt dịch vụ mới cho hành khách như nhà hàng, nhà vệ sinh sạch đẹp, trần nhà cao hơn và ánh sáng tự nhiên chan hoà hơn.
Không riêng LaGuardia, ngày càng nhiều sân bay trên khắp nước Mỹ cũng đang đi theo con đường cải tiến với các dự án khổng lồ trị giá hàng tỉ USD nhờ nguồn tiền từ các công ty tư nhân.
Sân bay JFK của New York đang có kế hoạch chi 13 tỉ USD bao gồm 12 tỉ USD vào quỹ tư nhân dành cho cải tổ sân bay bao gồm xây mới 2 nhà ga quốc tế. Sân bay Quốc tế Los Angeles đang chi 14 tỉ USD vào dự án mở rộng quy mô cực lớn.