Nepal bắt tay với Trung Quốc xây đường sắt nối Himalaya với Tây Tạng

Thứ sáu, 18/10/2019 15:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tuyến đường sắt dài 70km vừa được lãnh đạo Trung Quốc - Nepal thỏa thuận sẽ kết nối Gyrion tại Tây Tạng với Thủ đô Kathmandu của Nepal...

Tổng thống Nepal Bidhya Devi Bhandari bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm 2 ngày tại Nepal và đạt được nhiều thỏa thuận riêng biệt để xây dựng một tuyến đường sắt kết nối với Tây Tạng và một đường hầm trong bối cảnh quốc gia Himalaya này đang tìm cách tăng cường kết nối với Bắc Kinh, chấm dứt phụ thuộc vào các tuyến đường thương mại của Ấn Độ.

Tuyến đường sắt dài 70km vừa được lãnh đạo Trung Quốc - Nepal thỏa thuận sẽ kết nối Gyrion tại Tây Tạng với Thủ đô Kathmandu của Nepal, đưa dự án này trở thành một trong những kế hoạch hạ tầng tham vọng nhất tại nước này, nằm trong Sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc.

Cùng với đó, một tuyến đường bộ dài 28km sẽ giúp cắt giảm hơn nửa quãng đường từ Kathmandu đến biên giới Trung Quốc, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. “Trung Quốc sẽ nghiên cứu tính khả thi về dự án đường sắt này sau đó sẽ hỗ trợ xây dựng đường hầm”, ông Rajeshor Gyawali, người phát ngôn Bộ Giao thông và Hạ tầng Nepal cho biết.

Nepal đang tìm cách tăng kết nối với Trung Quốc bởi lệnh cấm vận dọc biên giới với Ấn Độ khiến Nepal thiếu nhiên liệu và thuốc men. “Những dự án hạ tầng mới sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi có được những tuyến thương mại thay thế trong bối cảnh phải đối mặt với những động thái phong tỏa biên giới”, ông Gyawali nói.

Bắc Kinh và New Delhi đang tranh giành ảnh hưởng đối với Nepal - vùng đệm tự nhiên giữa hai quốc gia. New Delhi chiếm gần 2/3 thương mại Nepal và là nguồn cung cấp dầu mỏ duy nhất của nước này.

Với Trung Quốc, ngoài 2 thỏa thuận trên, giới chức Nepal và Bắc Kinh đã ký 20 thỏa thuận liên quan tới thương mại, cung cấp nước và thuốc cổ truyền khi ông Tập kết thúc chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc tại Nepal trong 22 năm. “Chúng tôi sẽ giúp Nepal hiện thực hóa giấc mơ từ quốc gia bị phong tỏa trên đất liền trở thành một đất nước được kết nối rộng rãi”, ông Tập nói.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)