Mỹ thiếu vốn làm hạ tầng, Trung Quốc mời vay tỷ USD

Thứ tư, 11/12/2019 09:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hạ tầng đang ngày càng xập xệ, liệu lãnh đạo Nhà Trắng có chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ vốn từ đối thủ thương mại Trung Quốc?

Hạ tầng giao thông Mỹ được xây dựng từ lâu đời và đang ngày càng xập xệ

Xác định đảm bảo hạ tầng hiện đại và thuận tiện là yếu tố tiên quyết giúp phát triển kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ đầu tư gói ngân sách lên tới hàng nghìn tỉ USD vào lĩnh vực quan trọng này. Tuy nhiên, sau nhiều năm lời hứa này dường như vẫn chưa thành hiện thực. Trong bối cảnh phải rốt ráo hơn trong việc tìm giải pháp gọi vốn, liệu lãnh đạo Nhà Trắng có chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ vốn từ đối thủ thương mại Trung Quốc?

Trung Quốc bỏ ngỏ đề nghị cấp vốn

Trung Quốc - nhà đầu tư hạ tầng vào nước ngoài gần như lớn nhất thế giới với sức lan toả rộng khắp các châu lục và quốc gia, đã đề nghị tham gia vào kế hoạch trị giá 1,5 nghìn tỉ USD để sửa chữa và nâng cấp hạ tầng ở Hoa Kỳ.

Lời đề nghị này do ông Yang Chuantang, quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc đưa ra tại diễn đàn Giao thông Mỹ - Trung diễn ra tại Bắc Kinh, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Elaine Chao.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với phía Mỹ, theo khung làm việc của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và kế hoạch tái thiết hạ tầng của Hoa Kỳ”, ông Yang nói.

Trước đó, Tổng thống Trump đã công bố chi tiêu 1,5 nghìn tỉ USD vào kế hoạch nâng cấp hạ tầng nhưng sẽ chỉ chi 200 tỉ USD đến từ nguồn ngân sách trực tiếp của liên bang. Như vậy, việc Mỹ phải trông cậy vào nguồn vốn xã hội hoá hoặc đầu tư từ nước ngoài là không thể tránh khỏi.

Bà Chao cho biết: “Nhu cầu hạ tầng của Mỹ rất cấp thiết, không thể làm ngơ. Nếu Mỹ hợp tác với các tổ chức khác như chính quyền bang và địa phương cũng như cho phép tư nhân tham gia vào kế hoạch nâng cấp hạ tầng thì việc giải quyết nhu cầu là hoàn toàn có thể”.

Trong xu hướng xuất khẩu công nghệ và sản phẩm giao thông ra nước ngoài nhiều năm gần đây, Trung Quốc từng giành được một số hợp đồng đường sắt tại Mỹ như cung cấp toà tàu điện ngầm cho Boston, Chicago và Los Angeles.

Nhưng, chiến lược “ngoại giao đường sắt” đã gặp trở ngại khi công ty tư nhân XpressWest có trụ sở tại Nevada đã huỷ hợp tác liên doanh vào năm 2016 với công ty đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI) trong hoạt động xây dựng đường sắt tốc độ cao nối Las Vegas, Nevada, và Los Angeles, California.

Ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung

Bình luận trước khả năng Mỹ có thể huy động vốn từ Trung Quốc, ông Anthony Foxx - người tiền nhiệm của bà Elaine Chao bác bỏ vì cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng khốc liệt cũng như các quy định trong chiến lược “Mua của nước Mỹ” do ông Trump lập ra ngay sau khi nhậm chức sẽ chặn đứng nguồn đầu tư tài chính của Trung Quốc vào hạ tầng Mỹ.

Chưa kể, theo ông Foxx, việc Mỹ huy động nguồn vốn trong nước đồng thời sử dụng công nhân Mỹ vào xây dựng hạ tầng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Mỹ hơn cả về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, thay vì trông chờ vào Trung Quốc.

Theo giải pháp mới nhất vừa được Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ công bố hồi tháng 11, chính quyền Tổng thống Trump sẽ đầu tư 900 triệu USD vào hạ tầng nội địa thông qua chương trình cấp quyền giao thông Đầu tư Tiện ích tốt hơn để thúc đẩy phát triển. Quỹ này sẽ được sử dụng để cấp cho 55 dự án tại 35 bang trên toàn nước Mỹ.

Theo đó, trong năm tài khoá 2019, Bộ Giao thông Mỹ sẽ chủ yếu đầu tư vào hạ tầng giao thông trên mặt đất (cầu, đường, đường sắt, cảng và giao thông liên mô hình). Các dự án đã ủy quyền thực hiện được đánh giá dựa trên mức độ cạnh tranh từ vấn đề an toàn, kinh tế, bền vững môi trường, sáng tạo… Đặc biệt, 50% các dự án được cấp là đến từ khu vực nông thôn để đảm bảo cải thiện giao thông trên quy mô toàn quốc. Trong vòng cấp vốn BUILD lần này, giá trị cấp tối đa là 25 triệu USD và mỗi bang không được nhận quá 90 triệu USD.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)