Từ 2020, khách gây rối trên máy bay sẽ bị phạt nặng

Thứ ba, 24/12/2019 09:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bắt đầu từ năm sau, hành khách gây rối trên các chuyến bay quốc tế có thể bị truy tố.

Phần lớn các vụ gây rối trên máy bay có liên quan tới hành khách sử dụng bia rượu

Hiệp ước Toàn cầu Tokyo được sửa đổi bổ sung bắt đầu có hiệu lực từ năm sau, hành khách gây rối trên các chuyến bay quốc tế có thể bị truy tố.

Tổn thất lên tới 200.000 USD/chuyến

Theo nghiên cứu mới nhất về vấn nạn hành khách gây rối, tần suất xảy ra các vụ liên quan tới những hành khách thô lỗ đã giảm nhưng mức độ nghiêm trọng lại tăng.

Trong hai năm gần đây, đã có 8.731 vụ hành khách thô lỗ trên chuyến bay do các hãng hàng không thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giảm nhẹ so với con số từng được thống kê trước đó.

Nghiên cứu do IATA thực hiện chỉ ra, đa số các sự việc là liên quan tới các hành khách uống quá chén. Đặc biệt, 60% hành vi phạm tội trên máy bay lại không bị xử lý, trừng phạt nghiêm túc.

Trong khi đó, những vụ hành khách sử dụng vũ khí và đe dọa mạng sống của hành khách hoặc phi hành đoàn tăng từ 66 vụ trong năm 2016 lên 279 trong năm 2017, đe dọa an toàn bay.

Những vụ cực kỳ nghiêm trọng như phá hoại hoặc đe dọa sẽ chiếm máy bay tăng từ 20 lên 50 vụ trong năm 2017 so với năm 2016. Tổ chức IATA ước tính, tổn thất về kinh tế khi một chuyến bay phải chuyển hướng vì hành khách thô lỗ có thể từ 10.000 - 200.000USD, tuỳ tình hình.

Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cho biết, họ đã ghi nhận 90 vụ hành khách thô lỗ trên máy bay trong năm 2017, giảm so với 101 vụ trong năm trước đó. Năm 2000, cơ quan này đã tăng mức phạt đối với hành vi gây rối trên máy bay từ 1.100USD lên tối đa 25.000USD. “Sự an toàn và thoải mái của từng hành khách đang và sẽ là ưu tiên cao nhất của các hãng hàng không Mỹ”, một nữ phát ngôn của tổ chức thương mại hàng không lớn nhất tại Mỹ Airlines for America nhấn mạnh.

Theo bà, “tất cả các thành viên trong hiệp hội đều rất nghiêm túc đánh giá tình hình này. Hành vi thiếu tôn trọng đối với phi hành đoàn hoặc hành khách là không thể tha thứ”.

Tại Việt Nam, tình trạng này không phải không có mà thực chất đang xảy ra ngày càng thường xuyên. Năm 2016, một hành khách có hành vi tấn công nhiều khách cùng thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay của Korean Air từ Việt Nam đến Hàn Quốc khiến hãng Korean Air phải tăng cường biện pháp an ninh, bao gồm tăng cường đào tạo phi hành đoàn sử dụng súng bắn điện.

Đại diện các hãng hàng không cũng cho biết, hãng đang cân nhắc phân bổ ít nhất 1 tiếp viên nam trên mỗi chuyến bay để hỗ trợ chế ngự những hành khách gây rối.

Tăng cường xử phạt

Trên quy mô quốc tế, vấn đề xử lý hành khách thô lỗ đã được đưa ra từ lâu. Hiệp ước Tokyo năm 1963 với sự đồng thuận từ 186 quốc gia trong đó cho phép truy tố những hành khách có hành vi không đúng mực đối với quốc gia nơi máy bay đăng ký.

Điều đó đồng nghĩa, một hành khách uống rượu và gây gổ trên một chuyến bay của hãng hàng không American Airlines trên đường tới Pháp có thể bị truy tố tại Mỹ - nơi American Airlines đăng ký chứ không phải tại Pháp nơi máy bay tới.

Song, theo diễn biến mới nhất, tuần trước, Nigeria đã phê chuẩn quy định mới bổ sung cho Hiệp ước Tokyo. Với sự chấp thuận của Nigeria, bản sửa đổi Hiệp ước Tokyo đã đạt được điều kiện đó là ít nhất 22 quốc gia phê chuẩn dự luật, và có thể có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, các nước nơi máy bay tới được phép truy tố những người gây rối trên một chuyến bay quốc tế.

“Mọi người trên máy bay đều có quyền được hưởng hành trình vui vẻ, thoải mái mà không bị ảnh hưởng vì những hành vi lạm dụng, gây rối không thể chấp nhận. Nhưng hiện nay, mức độ răn đe đối với hành vi gây rối vẫn rất yếu”, ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc IATA nói.

Trong thông báo, ông Fang Liu, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế cho biết: “Quy định này sẽ giúp giải quyết vấn đề hành khách gây rối, thô lỗ đang ngày càng nghiêm trọng trên máy bay, qua việc cải thiện quyền truy tố của các nước.

Hiệp ước bổ sung cũng sẽ giúp tăng cường các điều khoản an ninh hàng không toàn cầu qua việc nhanh chóng mở rộng sự bảo vệ và công nhận pháp lý đối với những sĩ quan an ninh trên máy bay”.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)