Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi bộ mặt giao thông Trung Quốc

Thứ năm, 30/01/2020 10:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vài năm trước, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn ứng dụng AI để “chữa lành” căn bệnh tắc đường

Nhờ sự ủng hộ hào phóng từ chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc giữ vị trí lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Dùng trí tuệ nhân tạo giảm tắc đường

Mỗi sáng, vào lúc 7h30, Sun Kai, nhân viên kế toán, 36 tuổi, một công dân Bắc Kinh đều vội vàng ra ga tàu điện gần nhà nhất để đi làm nhưng gần như ngày nào cũng vậy, anh này đều phải chờ từ 4-5 lượt tàu đi qua mới có thể chen chân lên tàu điện, bắt đầu hành trình dài 1,5 giờ tới văn phòng.

Không phải Sun không có ô tô nhưng sử dụng phương tiện cá nhân cũng không giúp cắt giảm thời gian đi lại vì vấn nạn tắc đường. “Tình hình giao thông trong giờ cao điểm rất khó lường nên tôi quyết định chuyển sang đi tàu điện ngầm để có thể đi làm đúng giờ”, anh Sun nói.

Tại Bắc Kinh - thành phố tắc nghẽn nhất của Trung Quốc, có vô số người như Sun phải đối mặt với ác mộng giao thông mỗi sáng. Nhưng đó chỉ là tảng băng nổi tại quốc gia đông dân nhất thế giới khi số lượng ô tô không ngừng tăng trong khi tốc độ xây dựng đường bộ lại không bắt kịp được nhu cầu.

Song, các chuyên gia cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu và ứng dụng AI vào công nghệ xe cộ và giao thông nên trong tương lai, vấn đề tắc nghẽn hoàn toàn có thể giải quyết được bằng phương pháp này.

Dựa trên những nền tảng mà Bắc Kinh đang thiết lập hiện nay, có thể mường tượng ra bức tranh giao thông tương lai với sự góp mặt của công nghệ AI. Ở đó, người dân Trung Quốc sẽ sử dụng ô tô do AI vận hành, kết nối với internet và tự định vị cho phép tài xế rảnh tay và mắt để làm việc cá nhân.

Đường bộ sẽ được trang bị các cảm biến có thể thu thập dữ liệu, “nói chuyện” với phương tiện, tối ưu hóa lưu lượng giao thông, cập nhật tình hình giao thông thực cho người điều khiển phương tiện. “Khi đối mặt với những vấn đề này, AI có thể cung cấp giải pháp mạnh mẽ và nhanh hơn trí não con người”, ông Huang Wei, người đứng đầu Phòng Thiết kế và Hoạch định Giao thông thuộc Viện Thiết kế và Hoạch định Đô thị Tsinghua Tongheng cho biết. “AI có thể đóng vai trò quan trọng trong giảm tắc nghẽn giao thông”, ông Wei nhận định.

Rất nhiều thành phố tại Trung Quốc như Hàng Châu đã áp dụng công nghệ giao thông thông minh kết hợp với công ty con của Alibaba là AliCloud để giám sát các điều kiện đường bộ, phát hiện các vụ tai nạn và tối ưu hoá tín hiệu giao thông.

Công nghệ này đã giúp các phương tiện cắt giảm trung bình 3 phút trong thời gian đi lại mỗi ngày tính trong giai đoạn từ tháng 7 - 9/2018 so với cùng kỳ năm 2016, theo AliCloud.

Theo ông Wang Lei, nhà đầu tư trong ngành ô tô thuộc Công ty Đầu tư Galaxy Internet, AI có thể được sử dụng để đánh giá dữ liệu từ các cảm biến được lắp đặt khắp thành phố, từ đó điều tiết giao thông theo hướng ít tắc nghẽn nhất trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc tắc đường.

Thách thức chờ đợi

Giới phân tích dự đoán, thị trường ô tô tự lái của Trung Quốc sẽ chiếm 1/4 tổng lượng ô tô tự lái toàn cầu tính đến năm 2035. Công ty cố vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group ước tính, trong tương lai không xa sẽ có ít nhất 3 triệu xe tự lái trên đường phố Trung Quốc.

Việc phát triển công nghệ giao thông AI được giới chức Bắc Kinh thúc đẩy từ nhiều năm nay. Trong thông báo vào tháng 5/2016, Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc cho biết, công nghệ ô tô tự lái có thể giúp cắt giảm các vụ tai nạn khoảng 30%, giảm tỉ lệ thương vong 10%, tương đương với hàng nghìn mạng sống (Trung Quốc là quốc gia có số người thiệt mạng vì TNGT lớn thứ 2 thế giới. Năm 2017, có 63.093 người thiệt mạng trên đường phố, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước).

Một trong những điều kiện khác có thể giúp AI ứng dụng sâu vào đời sống Trung Quốc đó chính là tâm lý sẵn sàng đón nhận công nghệ của người dân nước này.

Theo khảo sát quốc tế do công ty giải pháp an ninh Irdeto thực hiện, 67% người tiêu dùng nước này được hỏi cho biết đã sở hữu hoặc có kế hoạch mua một chiếc ô tô có kết nối internet - công nghệ quan trọng và cần thiết đối với những loại xe tự lái, trong khi trên thế giới, tỉ lệ này mới ở 40%.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, dường như đã có “cơn gió đông” lạnh lẽo thổi qua lĩnh vực công nghệ AI. Thị trường vốn liên doanh đã thụt lùi đáng kể. Số thoả thuận tài chính đầu tư trong ngành AI tính đến giữa tháng 6/2019 là 131 với tổng giá trị thoả thuận là 5,6 tỉ USD. Giảm gần 4 lần so với con số 496 thỏa thuận vốn và tổng giá trị 15,7 tỉ USD trong năm 2018. Số thoả thuận vốn siêu lớn (từ 100 triệu USD trở lên) giảm từ 26 thỏa thuận trong năm 2018 xuống còn 4 tính đến tháng 10 năm 2019.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những nút thắt cổ chai của kỹ thuật học sâu - động lực cho làn sóng thúc đẩy AI hiện nay. Chưa kể, ảnh hưởng từ mâu thuẫn về công nghệ - thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc góp thêm tác động làm trầm trọng thêm những bất ổn cho tương lai ngành công nghiệp AI của Trung Quốc.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)