Nếu không được hỗ trợ, phần lớn các hãng bay sẽ phá sản trước tháng 5/2020

Thứ tư, 25/03/2020 11:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Rất nhiều quốc gia đã nhận thức được nguy cơ mà các hãng hàng không đang phải đối mặt và rục rịch những động thái thiết thực để hỗ trợ.

Nhiều hãng bay phải cắt giảm hoạt động trong đợt dịch Covid-19

Phần lớn các hãng bay sẽ phá sản trước tháng 5/2020. Đây là lời cảnh báo có căn cứ và rất nghiêm túc trong lúc các tổ chức hàng không trên thế giới đồng loạt kêu gọi sự giúp đỡ từ Chính phủ vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Nguy cơ phá sản

Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) vừa ra công bố ước tính rằng, đến cuối tháng 5 tới, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ của các quốc gia.

Do đó, tổ chức này kêu gọi Chính phủ các nước và ngành hàng không cần hợp tác đưa ra phản ứng phù hợp đối phó trước đại dịch này, bởi vì nguồn dự trữ tiền mặt của nhiều hãng đang dần cạn kiệt và nhiều trường hợp đã hết sạch.

Bên cạnh đó, nhiều liên minh hàng không toàn cầu như SkyTeam, Star Alliance và OneWorld cũng ra thông báo chung kêu gọi các Chính phủ và cổ đông hỗ trợ về mặt tài chính cho các hãng hàng không giữa bối cảnh Covid-19 đang bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới. “Tác động của Covid-19 đối với ngành hàng không rất lớn, trong đó IATA ước tính các hãng hàng không vận tải hành khách đã thua lỗ tới 113 tỷ USD lợi nhuận”, thông báo chỉ ra.

Airlines for America, Hiệp hội Hàng không đại diện cho các hãng hàng không như Delta và United kêu gọi Chính phủ Mỹ cứu trợ 50 tỷ USD để xử lý những tác động từ đại dịch. Tuy nhiên, theo CAPA, để giải quyết triệt để vấn đề, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Hoa Kỳ và toàn ngành công nghiệp hàng không. “Ngành hàng không đang trên bờ vực sụp đổ vì Chính phủ các nước đã ban bố và áp dụng cách ly phần lớn dân số và đóng cửa biên giới với người nước ngoài”, nhà phân tích Helane Becker đến từ Cowen cho biết.

Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, xu hướng cắt giảm năng lực hoạt động của các hãng hàng không ngày càng sâu hơn. Điển hình, United Airlines cho biết sẽ cắt giảm 60% năng lực trong tháng 4, trong đó có 85% các chuyến bay nước ngoài.

Hãng hàng không lớn thứ 2 của Australia - Virgin Australia Holding cho biết, chuẩn bị ngừng toàn bộ hoạt động bay quốc tế từ ngày 30/3 - 14/6, đồng thời giảm năng lực nội địa xuống một nửa, qua đó có thể dẫn tới giảm lượng việc làm. “Chúng tôi đã bước vào giai đoạn chưa từng có trong ngành hàng không toàn cầu, đòi hỏi hãng bay phải thực hiện hành động đáng kể nhằm quản lý doanh nghiệp trong khi cân bằng nhu cầu của hành khách và hỗ trợ sự phát triển của Australia”, Giám đốc điều hành Virgin ông Paul Scurrah nói trong một thông báo.

Đối thủ của Virgin là Qantas Airways cũng vừa thông báo kế hoạch giảm 90% năng lực quốc tế. Trong khi đó, hãng bay giá rẻ có trụ sở ở Singapore là Jetstar Asia cho hay, hãng sẽ dừng bay trong 3 tuần từ ngày 23/3 - 15/4.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore Airlines có kế hoạch giảm năng suất từ nay đến cuối tháng 4. Hãng bay giá rẻ lớn nhất của Philippines là Cebu Air cho biết, họ sẽ giảm toàn bộ các chuyến bay quốc tế và nội địa từ ngày 19/3 - 14/4 trong bối cảnh hòn đảo lớn nhất của nước này đang bị cách ly tăng cường.

Philippines Airlines cho biết thêm, hãng dừng các chuyến bay quốc tế bắt đầu từ ngày 20/3, hủy toàn bộ các chuyến bay nội địa đến ngày 13/4.

Các Chính phủ “bơm” tiền hỗ trợ

Thực tế, rất nhiều quốc gia đã nhận thức được nguy cơ mà các hãng hàng không đang phải đối mặt và rục rịch những động thái thiết thực để hỗ trợ.

Mới nhất, Australia và Đài Loan đã điền thêm tên mình vào danh sách các quốc gia hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không.

Chính phủ Australia cho biết, họ sẽ hoàn và miễn các loại phí cho các hãng hàng không như phí kiểm soát không lưu nội địa trị giá 715 triệu đô-la Australia giúp hãng bay vượt qua khó khăn trong bối cảnh nước này khuyến cáo công dân hạn chế ra nước ngoài.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Đài Loan cho biết, các hãng hàng không của hòn đảo này có thể áp dụng các chính sách trợ cấp và cho vay giúp giảm thiểu thiệt hại từ các biện pháp ngăn chặn virus mà nơi đây đã áp dụng từ ngày 15/1, nhưng không nêu cụ thể số tiền sẽ hỗ trợ.

Trước đó, Thuỵ Điển và Đan Mạch thông báo các gói bảo đảm nợ trị giá 300 triệu USD cho hãng hàng không SAS, trở thành những quốc gia đầu tiên cam kết hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không.

Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, tổng hỗ trợ của các Chính phủ trên toàn cầu có thể lên tới 200 tỷ USD.

Mới đây nhất, ngày 20/3, Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ 100% hãng hàng không và ông quyết ngay gói hỗ trợ 50 tỷ USD. Ngoài gói hỗ trợ 50 tỷ USD nói trên, hiện các hãng hàng không cũng mong muốn có thêm gói miễn giảm thuế trị giá 10 tỷ USD để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ, tổng số tiền hỗ trợ cho ngành hàng không Mỹ có thể lên tới 110 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 15 tỷ USD mà ngành này nhận được sau vụ khủng bố 11/9/2001.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)