Hồi sinh hàng trăm máy bay phải “về hưu non” vì dịch Covid-19

Thứ tư, 08/04/2020 09:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không ít trong số máy bay “về hưu sớm” đã được “vớt vát” khi được chuyển đổi mục đích thành máy bay chở hàng.

Một máy bay Amazon Prime Air được chuyển đổi
từ máy bay chở khách cũ của American Airlines để chở hàng

Đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác khiến hàng trăm chiếc máy bay chở khách của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung phải “về hưu sớm”. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, không ít trong số đó đã được “vớt vát” khi được chuyển đổi mục đích thành máy bay chở hàng.

Tận dụng khủng hoảng để cải tổ đội máy bay

Từ nhiều năm trở lại đây, 2 hãng sản xuất máy bay lớn của Mỹ là Boeing và Airbus liên tiếp đưa ra các dòng máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu và đem lại sự trải nghiệm khác biệt cho hành khách. Do đó, các hãng bay từng bước cho ra đời các dòng máy bay 4 động cơ biểu tượng một thời như Boeing 747 và Airbus A380 “về hưu”, thay bằng máy bay 2 động cơ thế hệ mới như Boeing 787 Dreamliner, Airbus A350 XWB và Boeing 777X.

Theo kế hoạch, một số hãng hàng không sẽ có khoảng vài năm để cho số máy bay cũ “nghỉ hưu”. Nhưng chính sự sụt giảm nhu cầu, nhất là trên các tuyến quốc tế do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã khiến các máy bay biểu tượng này “về hưu non” hàng loạt so với thời hạn phục vụ như thiết kế.

Cách vận hành như thế này không phải mới trong ngành hàng không. Thực tế, các hãng bay thường sử dụng những thời điểm nhu cầu thấp để tái cơ cấu, làm mới dàn máy bay, chẳng hạn như thời kỳ hậu khủng hoảng 11/9.

Lần này, American Airlines của Mỹ xác nhận sẽ cho “nghỉ hưu non” hàng trăm máy bay bao gồm 76 chiếc Boeing 737-800s cũ, 9 chiếc Airbus A330-300, 20 chiếc Embraer E190, 51 chiếc Boeing 757 và Boeing 767.

Delta Air Lines (Mỹ) cũng đẩy nhanh thời gian dừng hoạt động vĩnh viễn đối với 77 chiếc McDonnell Douglas MD-88s và MD-90 cùng một số chiếc Boeing 767.

Theo ước tính của báo Business Insider, còn một số hãng cũng có cùng động thái như: KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan) với máy bay Boeing 747-400, Virgin Atlantic Airways với máy bay biểu tượng Airbus A340-600; các hãng Lufthansa (Đức), Korean Air (Hàn Quốc) và Qantas (Australia) sẽ cho máy bay Airbus A380 “nghỉ hưu sớm”…

Hồi sinh thành máy bay chở hàng

Sau khi “nghỉ hưu”, một số chiếc máy bay sẽ “kết thúc sứ mệnh” tại các bãi rác thải để “bán sắt vụn”, làm mô hình đào tạo cho phi công, tiếp viên hay được sửa sang để bán cho các hãng khác, bán cho giới đại gia để sửa thành những “khách sạn đặc biệt”… Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại với nhu cầu vận tải hàng hóa tăng đột biến, nhiều chiếc máy bay ngay lập tức được hồi sinh thành máy bay chở hàng.

Theo trang tin ThePointguys, American Airlines là một trong những hãng bay đi đầu chuyển đổi Boeing 767 với mục đích trên. Chiếc máy bay Boeing 767 “nghỉ hưu” đầu tiên đã di chuyển từ kho chứa ở Roswell, bang New Mexico tới Tel Aviv, Israel qua một điểm quá cảnh ở Wilmington, bang Ohio, Mỹ.

Sở dĩ chiếc Boeing 767 được đưa tới Israel vì để sử dụng hoàn toàn với mục đích mới, hãng bay sẽ phải mất vài tháng để sửa chữa, gia cố như cắt cửa mới rộng hơn ở phía trái thân máy bay để vận chuyển hàng hóa và đảm bảo yếu tố an toàn như một chiếc máy bay vận tải bình thường. Và tại Israel, tập đoàn công nghệ chế tạo máy bay Israel (Israel Aircraft Industries), trụ sở ở Tel Aviv là nơi có thâm niên hàng chục năm chuyên chuyển đổi máy bay Boeing 767 thành máy bay chở hàng.

Đây là xu hướng thường thấy đối với các máy bay chở khách thân rộng, có không gian khả năng bay xa mang hàng nặng qua đại dương và thiết kế máy bay cứng cáp, bền bỉ. Trong khi đó, chi phí vận hành lại rẻ và có thể hỗ trợ bảo trì dễ dàng trên toàn cầu do Boeing vẫn đang sản xuất loại máy bay này với số lượng ít.

Hiện có hàng trăm chiếc máy bay Boeing 767 cũ được sử dụng trên toàn cầu với mục đích chở hàng hoàn toàn. Thậm chí, chúng ngày càng được ưa chuộng trong thời đại bán hàng trực tuyến lên ngôi, trở thành nguồn lực chở hàng chủ yếu cho Amazon Prime Air (nay được gọi tắt là Amazon Air), chuyên vận tải hàng hoá cho công ty thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon.

Hiện tại, Amazon đang vận hành một dàn phương tiện gồm 35 chiếc được chuyển đổi từ máy bay Boeing 767 vốn là máy bay chở khách.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)