Trung Quốc giãn thuế, hỗ trợ tài chính cho người mua ô tô

Thứ tư, 22/04/2020 15:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để đưa thị trường ô tô lớn nhất thế giới quay trở lại đà phát triển, Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị bơm tiền để kích cầu.

Trung Quốc nối lại hoạt động sản xuất ô tô sau đại dịch Covid-19

Thông thường, tính đến tháng 4, Trung Quốc sẽ bán hơn 6 triệu ô tô mới nhưng năm nay, con số này chỉ đạt khoảng gần 3,7 triệu chiếc.

Để đưa thị trường ô tô lớn nhất thế giới quay trở lại đà phát triển sau đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị bơm tiền để kích cầu.

Doanh số giảm tới 79%

Hiện tại, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bắt đầu tìm cách hồi phục sau nhiều tháng liền thực hiện lệnh phong tỏa.

Hoạt động sản xuất ô tô cũng khởi động lại trên toàn quốc, kể cả ở Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Hoạt động sản xuất có thể nối lại ngay lập tức nhưng nhu cầu mua xe đang ở dưới vực thẳm, có leo lên trở lại hay không là điều lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng.

Theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số ô tô nước này sụt giảm 42% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn lượng giảm rơi vào tháng 2 (khoảng 79%) khi đất nước 1,4 tỷ dân trải qua đỉnh dịch Covid-19 và chỉ bán được 310.000 chiếc. Nhưng đến nay, dù đã qua dịch, thị trường ô tô Trung Quốc vẫn ảm đạm.

Tháng 3 vừa rồi, chỉ có 1,43 triệu ô tô được bán tại Trung Quốc, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi ngành ô tô đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Đại lục.

Hơn 40 triệu người ở đây sống dựa vào công việc trong ngành này cả trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngành ô tô cũng mang về hơn 1 nghìn tỷ USD lợi nhuận/năm, tương đương 10% tổng sản lượng hàng hóa từ tất cả các nhà máy của Trung Quốc.

Với thế giới, một thị trường ô tô Trung Quốc lành mạnh cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các hãng sản xuất ô tô toàn cầu như Volkswagen và General Motors đều bán hàng triệu ô tô tại nước này, chiếm 40% tổng doanh số của mỗi hãng.

Trợ cấp tiền mặt chỉ như muối bỏ biển

Hiểu rõ vấn đề, CAAM cho biết, việc họ cần làm cấp thiết lúc này chính là tìm cách thúc đẩy doanh số. Song, CAAM cảnh báo, thị trường ô tô có thể hồi phục trong quý II tới nhưng khó có thể bù đắp cho những thua lỗ từ quý I.

Một trong những động thái mà Bắc Kinh thực hiện để kích cầu đó là mở rộng chương trình giãn thuế và trợ cấp cho người mua phương tiện sử dụng năng lượng mới như ô tô điện hoặc lai điện thêm 2 năm nữa.

Trước đó, Trung Quốc đã thu hẹp các hỗ trợ mua xe thân thiện môi trường để lọc bỏ những công ty sản xuất phương tiện điện không đạt yêu cầu, kéo theo doanh số loại xe này giảm sốc 53% (chỉ 53.000 phương tiện được bán ra) so với cùng kỳ năm ngoái.

Không riêng chính quyền Trung ương, các địa phương ở nước này cũng tăng cường kích cầu. Ít nhất 10 tỉnh thành khuyến khích người dân mua xe chủ yếu qua việc trợ cấp tiền mặt lên tới 1.400 USD/chiếc.

Đất nước tỷ dân kỳ vọng, nhu cầu sẽ tăng lên khi các trường học mở cửa và mùa hè chuẩn bị tới. Nhu cầu đưa con đến trường là lý do lớn nhất khiến người dân tại Trung Quốc mua xe, theo phân tích từ Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA).

Tuy nhiên, theo bà Alicia García-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính và đầu tư của Pháp Natixis, việc bơm tiền và hy vọng kích cầu mua sắm ô tô có lẽ “chỉ là muối bỏ biển”, không đủ để cứu thị trường ô tô đang suy giảm của nước này.

Thời kỳ bùng nổ tăng trưởng doanh số ô tô của Trung Quốc đã qua lâu rồi, sức mua hiện nay của người tiêu dùng đang yếu dần, tạo ra vấn đề về cấu trúc và có thể kéo theo xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian dài.

Việc kích thích người dân chi tiền mua ô tô là bài toán khó với Bắc Kinh từ 2 năm trở lại đây, bắt đầu từ năm 2018 với mức ô tô bán ra giảm 3%, đánh dấu mốc doanh số ô tô tuột dốc đầu tiên kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Tiếp đó, năm ngoái, mức giảm tiếp tục tuột sâu hơn, với mức 8% (với doanh số dưới 25,8 triệu chiếc xe). “Chính xu hướng nhu cầu đi xuống trong 2 năm liên tiếp này là yếu tố đe doạ đến sự sống còn của ngành ô tô Trung Quốc”, bà Alicia García-Herrero nhận định thêm và cho rằng, sau khi nền kinh tế Trung Quốc hứng cú giáng mạnh vì đại dịch Covid-19, thách thức càng lớn hơn.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)