Thời đại dịch Covid-19, nhiều sân bay áp dụng công nghệ cực hiện đại để bảo đảm an toàn cho khách bay.
Đường hầm thông minh tại sân bay quốc tế Dubai
Đại dịch Covid-19 không hoàn toàn chỉ gây ra tiêu cực với ngành hàng không mà thực sự trở thành chất xúc tác giúp thay đổi môi trường sân bay theo hướng lành mạnh hơn với tốc độ chóng mặt.
Công nghệ “không chạm”
Công nghệ này vốn đã được áp dụng tại nhiều CHK nhưng chính đại dịch thúc đẩy mở rộng với tốc độ nhanh hơn. “Chúng tôi đang chứng kiến những sáng kiến của 5 năm được áp dụng chỉ trong 5 tháng vừa qua, thậm chí có thể kéo dài vĩnh viễn”, ông Ibrahim Ibrahim, Giám đốc Quản lý Công ty Portland Design cho biết. Công ty này chuyên tư vấn, thiết kế sân bay và các trung tâm vận chuyển có trụ sở tại London, Anh.
Để xác thực danh tính hành khách, các loại giấy tờ tuỳ thân như bằng lái xe, hộ chiếu sẽ được thay thế bằng những công nghệ nhận diện khuôn mặt và máy quét mống mắt sinh trắc học.
Ở thời đại “sân bay không chạm”, điện thoại di động sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể được tận dụng để sử dụng với nhiều mục đích chứ không dừng lại là thẻ lên máy bay. “Chiếc điện thoại thông minh sẽ trở thành điều khiển từ xa để quản lý hoạt động đi lại của bạn. Hôm nay, bạn có thể tương tác thông qua điện thoại với một quầy check-in hoặc nơi để hành lý ký gửi, hạn chế tiếp xúc vào bề mặt các thiết bị. Về lâu dài, bạn có thể chứng kiến định danh điện tử của mình được lưu trữ ngay trên điện thoại”, ông Andrew O’Conner, Phó chủ tịch quản lý các danh mục đầu tư tại Công ty Kỹ thuật giao thông hàng không Sita cho biết.
Nhà ga sử dụng máy sinh trắc học đầu tiên tại Mỹ được mở cửa ở Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta vào cuối năm 2018. Theo nghiên cứu từ một bên thứ 3, 72% khách hàng ưa chuộng hình thức check-in trước khi lên máy bay bằng sinh trắc học hơn cách thức thông thường.
Nhà thiết kế chiến lược Devin Liddell, đang làm việc với các khách hàng trong lĩnh vực hàng không và du lịch cho biết: “Hãng hàng không Delta của Mỹ đang mở rộng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại các sân bay ở Detroit, Minneapolis và TP Salt Lake khi thực hiện thủ tục kiểm tra trước khi lên máy bay. Ngoài ra, hãng “United Airlines có một số chương trình thử nghiệm đang được thực hiện ở San Francisco, Washington và Houston”.
Cũng theo ông Liddell, động thái thử nghiệm và triển khai tương tự, sử dụng công nghệ sinh trắc học sẽ được thực hiện ở một số sân bay ở Canada, Nhật Bản, Italy, Tây Ban Nha và Iceland.
Ngoài lắp đặt công nghệ thông thường, nhiều sân bay còn thiết kế thành một hệ thống dưới nhiều hình thức khác nhau từ đường hầm, khu vườn cho đến đường đi di động, cho phép hành khách có thể di chuyển không dừng từ sân bay lên máy bay.
Ông Liddell nhận định: “Những thủ tục này càng đặc biệt quan trọng khi dịch Covid-19 bùng nổ, bởi nó tạo điều kiện cho hành khách đi qua quầy thủ tục luôn giữ khoảng cách để tránh lây lan dịch bệnh”, ông Liddell nói.
Sita là một trong những công ty điển hình đang cung cấp công nghệ Đường đi Thông minh cho một số sân bay tại Athens, Brisbane, Doha, Muscat, Orlando, Miami và Boston, trong đó hành khách chỉ cần di chuyển bình thường, trong vài giây danh tính của họ sẽ được xác minh mà không cần phải dừng lại.
Ở sân bay quốc tế Dubai International, người ta đã triển khai lắp đặt đường hầm thông minh sử dụng sinh trắc học, tăng tốc kiểm soát dòng người nhập cảnh. Theo đó, hành khách có thể thông qua cửa kiểm soát nhập cư chỉ trong 15 giây.
“Năm ngoái, có hơn 12 triệu hành khách đã sử dụng cổng thông minh này cũng như đường hầm sinh trắc của Dubai. Một số sân bay khác cũng có mong muốn tương tự và sẽ theo đuổi mục tiêu đó”, theo ông Liddell.
Công nghệ diệt khuẩn siêu tốc, “soi” bệnh hành khách trước khi bay
Bên cạnh đó, trong cuộc sống bình thường kiểu mới thời Covid-19, việc diệt vi khuẩn, virus ở mức tối đa là yêu cầu cực kỳ quan trọng để hạn chế lây nhiễm chéo tại các nơi công cộng như sân bay.
Trong tương lai, nếu có nhiều công ty công nghệ như Ichortec của Đức phát triển thành công tăm bông, lấy dịch từ mũi để phát hiện Covid-19 trong vòng 3 phút với độ chính xác trên 95% thì hoạt động rà soát, xét nghiệm dịch bệnh tại sân bay sẽ trở nên phổ biến hơn, thậm chí trở thành quy định bắt buộc lâu dài, thay vì chỉ áp dụng nhất thời khi có dịch bệnh. Hiện tại, công ty công nghệ sinh học Inchortec đang xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu.
Thực tế, một số sân bay lớn tại châu Á như sân bay quốc tế Hồng Kông, Changi của Singapore đang áp dụng công nghệ có thể diệt khuẩn bằng phun sương, tia UV… để phòng dịch bệnh.
Thậm chí, cảng hàng không tại Hồng Kông thử nghiệm thêm phòng diệt khuẩn toàn thân do Công ty CleanTech chế tạo, có thể diệt khuẩn từ đầu đến chân của hành khách trong vòng 40 giây. Nơi đây còn ứng dụng Robot diệt khuẩn Thông minh cho phép tiêu diệt tới 99,99% virus, vi khuẩn trong không khí.
Sân bay hàng đầu của châu Á - Changi đang đẩy cường độ dọn dẹp nhà ga lên gấp đôi, phủ chất diệt khuẩn lên các vật dụng thường xuyên có người chạm như nút bấm thang, xe đẩy… để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus, vi khuẩn lên tới 6 tháng.
Hiện tại, do phát sinh nhu cầu kiểm tra y tế phòng dịch Covid-19, gần như tất cả các sân bay đã lắp đặt thêm camera và máy cảm biến. Điển hình như hãng Etihad Airways đang thử nghiệm ki-ốt ở sân bay quốc tế Abu Dhabi, để kiểm soát thân nhiệt, nhịp tim của khách.
Một số sân bay lắp đặt thêm camera cảm biến nhiệt và trong tương lai, theo dự đoán của Simpliflying, sẽ có cơ sở lắp thêm máy quét phổi CT cho kết quả trước khi hành khách khởi hành.
Nhiều nơi hiện đại hơn như ở sân bay quốc tế Hamad của Doha đang ứng dụng mũ bảo hiểm quét thông minh có thể đánh giá nhiệt độ của khách sử dụng hình ảnh nhiệt, trí thông minh nhân tạo và tương tác thực tế ảo.
Tuy nhiên, theo nhiều phân tích, những biện pháp này chưa có hiệu quả thực sự. Vì có rất nhiều người nhiễm Covid-19 không hề có biểu hiện ra ngoài trong khi những trường hợp được máy móc tại sân bay phát hiện đều phải có những triệu chứng điển hình nhất.