Các hãng hàng không sắp chìm trong “mùa đông lạnh giá”

Thứ ba, 27/10/2020 10:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do ảnh hưởng của đại dịch, các hãng hàng không đã “lỡ hẹn” với mùa hè sôi nổi và chuẩn bị chìm vào mùa đông lạnh giá cả nghĩa đen, nghĩa bóng.

Sân bay La Guardia, New York trong mùa đông

Thông thường, chỉ riêng trong quý 3, ngành hàng không thế giới thu về lợi nhuận khoảng 40% vì đây là thời điểm nhu cầu đi lại rất cao. Nhưng năm nay, khi đã bước sang quý 4, các hãng hàng không đã hoàn toàn bị “lỡ hẹn” với mùa hè sôi nổi thường thấy và nếu không có gì thay đổi, họ chuẩn bị chìm vào mùa đông lạnh giá thực sự trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thoi thóp sống nhờ khoản cứu trợ

EasyJet Plc từng là một trong những hãng hàng không sống sót tốt nhất nhờ đi theo cấu trúc giá rẻ và nền tảng tài chính mạnh. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đàm phán với Chính phủ Anh để kêu gọi thêm một đợt hỗ trợ nữa ngoài khoản vay đảm bảo đầu năm nay trị giá 600 triệu bảng Anh (tương đương 775 triệu USD), theo hãng tin Bloomberg.

Cebu Air, một hãng bay của Philippines đang gọi vốn 500 triệu USD qua trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi sau khi nhận cái lắc đầu hỗ trợ từ chính phủ.

Một hãng bay giá rẻ nổi tiếng khác là AirAsia Group Bhd vừa phải tái cơ cấu hãng bay đường dài AirAsia X Bhd vào đầu tuần này, đồng thời giảm bớt hoạt động trên hãng bay của Nhật và dừng đầu tư cho AirAsia.

Đối thủ của AirAsia tại Malaysia là Malaysia Airlines cũng không nằm ngoài khó khăn. Hãng bay quốc doanh này đang đàm phán với nhiều tổ chức tín dụng để tiến hành tái cơ cấu.

Tại Mỹ, ngành hàng không cũng đang thoi thóp sống nhờ khoản cứu trợ từ Quốc hội hồi tháng 3 nhưng khoản tiền này cũng gần cạn kiệt. Triển vọng về một vòng hỗ trợ khác rất mỏng manh vì không riêng hàng không mà còn rất nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó.

Tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, các hãng buộc phải giảm khoảng 45% lịch trình bay nội địa trong tháng 12. “Dựa trên diễn biến thời điểm này, mọi kỳ vọng đại dịch sớm chấm dứt trong năm nay đã tan biến”, theo nhà phân tích Bloomberg Intelligence, ông George Ferguson.

Nhưng theo nhà báo David Fickling, Chủ mục góc nhìn trên tờ Bloomberg, chuyên phân tích về các vấn đề hàng hóa cùng các công ty công nghiệp, tiêu dùng, tất cả những khó khăn trên chưa phải tồi tệ nhất bởi họ vẫn đang cầm cự được nhờ chính sách trợ cấp từ chính phủ.

Theo ông David Fickling, thời kỳ khủng hoảng nhất của ngành hàng không thế giới chuẩn bị đến trong vài tháng tới khi họ đã tiêu cạn đến những đồng cuối cùng. Đến lúc này, mọi chiến lược sinh tồn mà các hãng có thể làm là cắt giảm nhân công, giảm chuyến, bán máy bay…

Theo phân tích vừa được công bố từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, các hãng bay đã “đốt” 51 tỷ USD trong quý 2 và sẽ tiêu thêm 77 tỷ USD tiền mặt trong 6 tháng tính đến cuối tháng 12.

Con số này chiếm 80% trong tổng số 162 tỷ USD tiền trợ cấp mà họ được nhận trong khi theo ước tính và phải đến năm 2024, các hãng mới có thể quay trở lại mức vận tải trước Covid-19. Ước tính năm 2021, họ sẽ vẫn phải tiêu từ 5 - 6 tỷ USD tiền mặt/tháng, theo IATA.

Tại sao ngành hàng không có thể được ưu tiên?

Giới chức và Giám đốc điều hành trong ngành đều hiểu rõ ngành hàng không khó có thể sống sót nếu không được chính phủ can thiệp mạnh tay. Kể cả lưu lượng giao thông có quay trở lại chỉ trong 1 đêm, các hãng hàng không vẫn phải tìm ra cách để trả những khoản nợ khổng lồ phát sinh từ năm nay. Cách dễ thấy nhất là tăng giá vé nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ đẩy hành khách ra xa ngay khi họ vừa có nhu cầu trở lại.

Nếu không có những sự thay đổi đột biến, hầu hết các hãng hàng không sẽ bị đẩy vào vòng xoáy lợi nhuận thấp, dịch vụ kém, nợ nần chồng chất.

Chỉ trong thời gian ngắn, các chính phủ sẽ phải lựa chọn liệu có tái cơ cấu, quốc hữu hóa, thanh lý một loạt các hãng hàng không thua lỗ hay nới lỏng những quy định hạn chế về sở hữu vốn được áp dụng để ngăn chặn những gã khổng lồ xuyên lục địa thực sự sinh sôi nảy nở.

Câu hỏi đặt ra, trong thời đại ai cũng khó khăn như hiện nay, tại sao hàng không khả năng cao được chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ quan tâm đặc biệt và có khả năng được rót vốn trợ cấp cao hơn.

Theo trang tin điện tử Market Place, có một số lý do khiến ngành hàng không ở nhiều nước, nhất là tại Mỹ quan trọng vì đây là ngành công nghiệp lớn. Trên toàn cầu, ngành này tạo ra gần 2 nghìn tỷ USD, mang đến việc làm cho khoảng 450.000 nhân công và 10 triệu việc làm gián tiếp. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới đang ngày toàn cầu hóa, vai trò của hàng không trong kết nối càng quan trọng.

“Khi nền kinh tế khởi động lại sau dịch, điều mà các quốc gia đều cần đó là vận chuyển con người và hàng hóa”, ông William Swelbar, kỹ sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts thuộc Trung tâm Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết.

Trước đó, khi Chính phủ Mỹ đưa ra gói cứu trợ đầu tiên, họ cũng ra điều kiện buộc các hãng phải duy trì hoạt động thông suốt tại một danh sách dài các sân bay. Đồng nghĩa, một số chuyến bay vẫn được thực hiện dù vắng khách hoặc gần như không có.

Theo ông Samuel Engel, Phó Chủ tịch Cấp cao tại Công ty tư vấn ICF, không ngẫu nhiên khi ngành hàng không có thể duy trì tình trạng đặc biệt. “Năm ngoái, ngành hàng không Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD vào vận động hành lang Chính phủ Mỹ”, ông Samuel Engel nói.

Ngoài ra, nhìn lại lịch sử, Chính phủ Mỹ cũng không ít lần hỗ trợ các hãng hàng không. Trước năm 1978, chính quyền Washington tự định giá và tuyến bay. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm thúc đẩy ngành hàng không trong suốt thời gian dài cho đến những năm 90 của thế kỷ trước.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)