Với hệ thống đèn tín hiệu thông minh, thời gian đi lại được cải thiện rõ rệt.
Một ngã tư ở Seattle, Hoa Kỳ, nơi hệ thống tín hiệu giao thông thích ứng được lắp đặt vào năm 2017
Trong khi hệ thống đèn tín hiệu giao thông kiểu truyền thống khiến không ít người cảm thấy phiền toái thì với hệ thống đèn tín hiệu thông minh, thời gian đi lại được cải thiện rõ rệt. Thậm chí, tại nhiều thành phố của Hoa Kỳ, nó còn giúp giảm số lượng lớn các vụ TNGT, nhất là tại các giao lộ lớn.
Tự phân tích thông tin, điều chỉnh thời gian
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống đèn tín hiệu truyền thống vốn được ấn định sẵn thời gian đôi khi gây ra nhiều bất tiện, nhất là việc để người tham gia giao thông phải chờ đợi trong thời gian dài.
Có nơi, đường vắng nhưng người đi đường vẫn phải “chôn chân” trên đường tới 3 phút. Ngược lại, trong những lúc cao điểm, các phương tiện lưu thông với mật độ rất lớn, song thời gian đèn xanh lại quá ngắn. Không ít người mất kiên nhẫn, vượt đèn đỏ, thậm chí gây TNGT.
Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, cơ quan phụ trách giao thông tại một số thành phố đã cải tiến hệ thống đèn giao thông, thay thế bằng công nghệ đèn tín hiệu tự thích ứng.
Hệ thống này sử dụng thuật toán để tính toán lưu lượng xe và tự động điều chỉnh đèn xanh, đỏ, thời gian chờ đèn.
Tuy chưa có số liệu năm 2020 nhưng theo thống kê mới nhất (tính đến năm 2017), có khoảng 3% lượng đèn tín hiệu giao thông trên thế giới sử dụng công nghệ tự thích ứng. Nếu như từ năm 2009-2014, có khoảng 4.500 giao lộ được lắp đặt hệ thống đèn tự thích ứng, thì tới năm 2017, con số này đã lên tới 6.500.
Để có thể chuyển tín hiệu đèn tuỳ theo điều kiện thực tế, hệ thống đèn thông minh hoạt động theo phương thức: Sử dụng dữ liệu từ camera và thiết bị cảm ứng, thu thập thông tin về số lượng phương tiện đến gần ngã tư. Một phần mềm trong hệ thống sẽ phân tích thông tin và thiết lập tín hiệu đèn theo thời gian thực.
Công nghệ mới nhất là hệ thống đèn mang tên NoTraffic, do một công ty công nghệ của Israel phát triển, đang được sử dụng tại Phoenix và một số thành phố khác thuộc bang California, Hoa Kỳ.
Được đánh giá là nền tảng quản lý lưu lượng giao thông tự động đầu tiên trên thế giới, NoTraffic không chỉ đo lường mà còn nhận biết từng loại phương tiện như xe đạp, người đi bộ, ưu tiên cho phương tiện khẩn cấp, phương tiện giao thông công cộng.
Thậm chí, hệ thống này còn có thể giao tiếp với những phương tiện tự lái, cảnh báo tài xế về các nguy cơ xe vượt đèn đỏ; TNGT …
Giảm 50% số vụ tai nạn
Nhờ ứng dụng hệ thống tín hiệu thông minh, các thành phố như: Oakland, tiểu bang Utah… đã kéo giảm được đáng kể số vụ TNGT.
Ông Craig Bryson, người phát ngôn Uỷ ban Đường bộ Oakland cho biết, hệ thống mà Oakland sử dụng được nhập từ Australia với giá khá đắt đỏ. Để có thể chuyển đổi toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu của thành phố, Oakland cần hơn 100 triệu USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian ứng dụng, các hệ thống đèn tín hiệu thông minh mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cải thiện lưu lượng giao thông, đảm bảo an toàn. Điển hình như TP Troy, thuộc hạt Oakland, số vụ tai nạn nghiêm trọng tại các nút giao giảm hơn 50%.
Còn tại Utah, chính quyền địa phương đã vận hành hệ thống tín hiệu trên quy mô toàn bang, nhận dữ liệu giao thông tự động, đưa ra tín hiệu phù hợp với điều kiện thời gian thực.
Nếu như Oakland phải nhập khẩu công nghệ từ Australia thì Utah lại sử dụng hệ thống do Đại học Purdure, hợp tác với Phòng Giao thông bang Indiana phát triển, ứng dụng khoảng 80% trong tổng số 1.950 hệ thống đèn tín hiệu trên toàn bang.
Giảm thời gian và số lượng ô tô phải chờ đợi đèn đỏ là điểm khác biệt nhất mà hệ thống này mang lại sau một thời gian áp dụng. Ví dụ một đoạn đường cụ thể gần Đại lộ University ở Provo, nếu như vào tháng 4/2013, có 36% phương tiện đi qua đây phải dừng đèn đỏ thì chỉ sau 1 tháng áp dụng, tỉ lệ này giảm khoảng 12%.
Giảm thời gian chờ đèn đồng nghĩa tốc độ đi lại của các phương tiện được cải thiện. Một nghiên cứu do Cơ quan Đường cao tốc Liên bang thực hiện cho thấy, công nghệ tín hiệu giao thông giúp tăng thời gian đi lại trung bình 10%.
Chi phí đắt đỏ
Dù biết rõ hiệu quả nhưng không phải thành phố nào cũng mạnh tay đầu tư bởi chi phí để ứng dụng hệ thống này khá đắt đỏ, trung bình từ 30.000 - 50.000 USD/ngã tư. Không chỉ tốn chi phí ban đầu như phần cứng, phần mềm, các thiết bị radar cảm ứng, camera, để vận hành hệ thống còn cần kinh phí để nâng cấp bộ kiểm soát, thay đổi kết nối và truyền tải thông tin, đào tạo nhân viên điều hành và chi phí nghiên cứu.