Nếu được hỏi điều gì khiến bạn ấn tượng nhất sau những ngày trải nghiệm ở Nhật Bản, tôi không ngần ngại trả lời: Đó là hệ thống giao thông. Có kết quả đó là nhờ Nhật Bản xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ cùng sự đa dạng các loại phương tiện giao thông công cộng.
Nếu được hỏi điều gì khiến bạn ấn tượng nhất sau những ngày trải nghiệm ở Nhật Bản, tôi không ngần ngại trả lời: Đó là hệ thống giao thông. Có kết quả đó là nhờ Nhật Bản xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ cùng sự đa dạng các loại phương tiện giao thông công cộng.
Ga tàu điện trên cao ở Thủ đô Tô-ki-ô.
Giao thông đa dạng và đồng bộ
Là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, với trên 12,5 triệu dân, diện tích 2.187km2, mật độ gần 6.000 người/km2, nhưng Tô-ki-ô ít khi xảy ra tình trạng tắc đường. Đất chật, người đông nên hệ thống giao thông của Tô-ki-ô cũng được thiết kế đa dạng và hợp lý. Hầu hết các ngã tư, ngã năm đều có cầu vượt hoặc hầm đường bộ để sang đường. Tất cả hệ thống đường giao thông ở Nhật Bản đã được chuẩn hóa từ vùng quê cho đến thành phố, mọi ngõ ngách đều có phân luồng, giải phân cách rõ ràng, nơi dành cho ô tô, xe máy... và tất nhiên người đi bộ có lối đi riêng.
Cuộc sống ở Nhật Bản không thể không kể đến tàu điện, phương tiện thông dụng nhất của người dân bởi nó vừa rẻ lại tiện lợi. Tàu điện ở Nhật gồm loại tàu thường và tàu cao tốc. Tàu thường hay còn gọi là tàu "Local", thường đỗ tại các ga mà nó chạy qua. Khoảng cách các ga trong thành phố chỉ cách nhau khoảng 1km và ngoại ô là khoảng 2,3km. Tàu nhanh và tàu cao tốc thường chỉ dừng lại ở các ga lớn, tiết kiệm thời gian cho những người đi xa, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân Nhật Bản. Tàu siêu tốc "Sinkansen" là tàu chạy nhanh nhất trong các tàu thương mại, với vận tốc khoảng 300km/h. Mặc dù ngồi bên trong hành khách sẽ có cảm giác tai bị ù do tốc độ của tàu khá lớn nhưng tàu "Sinkansen" vẫn là phương tiện được nhiều người ưa chuộng.
Tàu điện ở Nhật "cứng nhắc" y như người Nhật về cách bảo đảm giờ giấc luôn chính xác. Vì thế mấy người bạn Nhật nói với chúng tôi rằng, nếu không muốn trễ giờ làm chỉ có đi tàu điện. Ở Nhật, việc đi lại người ta không tính quãng đường mà chỉ quan tâm đến thời gian. Anh Nguyễn Chí Cường, điều phối viên của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICE) cho biết, nhà anh cách Tô-ki-ô 70km nhưng ngày nào anh cũng đi làm bằng tàu điện và mất khoảng 1 tiếng kể cả thời gian đi bộ.
Đông đúc, tấp nập... nhưng không lộn xộn
Bạn sẽ ngạc nhiên khi lần đầu tới Tô-ki-ô, một đô thị lớn đông dân như vậy nhưng số người đi bộ trên các hè phố chính rất ít. Các bạn điều phối viên của JICE giải thích, trừ những phố thương mại có đông người lui tới, phần lớn người dân đều quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt. Tàu điện ngầm cứ năm phút và tàu hỏa sáu phút có một chuyến dừng tại các ga khoảng ba phút để khách lên xuống. Trong đó, phần lớn người dân chọn phương tiện đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, do đó đã làm giảm đáng kể lượng người đi lại trên các đường phố, cũng góp phần giảm tắc đường và tai nạn giao thông.
Nếu như ở Hà Nội mỗi khi tắc đường, các phương tiện tham gia giao thông cứ "mạnh ai nấy đi", thậm chí phóng lên cả vỉa hè dành cho người đi bộ, ở Nhật Bản hoàn toàn khác. Một mặt do đường phố rộng rãi, có đường dành riêng cho từng loại phương tiện, mặt khác do ý thức tôn trọng người khác khi tham gia giao thông của người Nhật rất cao, đặc biệt với người đi bộ, người già, phụ nữ và trẻ em. Vì thế, "đất chật, người đông" nhưng giao thông ở Nhật vẫn nhịp nhàng trong trật tự. Cùng với chế tài xử phạt vi phạm giao thông rất nghiêm khắc, ý thức chấp hành luật giao thông của người Nhật đã tạo nên diện mạo giao thông tuyệt vời như vậy.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên nếu đem so với diện tích của Hà Nội mở rộng hiện nay với hơn 3.300km2, chỉ hơn 6 triệu dân mà luôn phải đối mặt với cảnh tắc đường vào mỗi buổi sáng đi làm và buổi chiều trở về nhà, thậm chí tắc đường cả những lúc không phải giờ cao điểm. Đây là điều đáng để chúng ta quan tâm về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông cũng như các phương tiện giao thông công cộng của Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.
Theo HNM