Giới khoa học Nga vừa phát triển một hệ thống theo dõi trạng thái phi công hàng không dân dụng.
Hệ thống đánh giá chất lượng bay có thể làm việc trong thời gian thực kết hợp cùng lúc 3 tiêu chí
Hệ thống có khả năng phân tích hành vi của phi hành đoàn trong thời gian thực, giảm thiểu phát sinh những tình huống khẩn cấp.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, do nhóm các nhà nghiên cứu Nga từ GosNIIAS và MGPPU tiến hành, nằm trong dự án “SAFEMODE” được Bộ Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga tài trợ tài chính.
Khi đánh giá chất lượng bay, hệ thống sẽ liên kết các thông số chuyến bay, đặc điểm máy bay, trạng thái tâm sinh lý của phi hành đoàn để đánh giá về trạng thái hoạt động của phi công, từ đó đưa ra đánh giá, phân tích rủi ro chính xác nhất thế giới.
Lý giải rõ hơn, ông Lev Kuravsky, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Tâm lý và Giáo dục Quốc gia Moscow, tham gia vào dự án trên cho biết: “Hệ thống của chúng tôi sẽ so sánh hành động của phi hành đoàn trong từng giai đoạn bay khác nhau và hành vi của phi công từ cơ sở dữ liệu chuyên dụng. Tất cả các trạng thái tâm lý phi công như căng thẳng, mệt mỏi đều được đánh giá qua những thiết bị theo dõi chuyển động mắt và một số chỉ số khác về hoạt động mắt”.
Hiện tại, hệ thống này đang được áp dụng để đánh giá kỹ năng của phi công khi điều khiển thiết bị mô phỏng chuyến bay hiện đại nhưng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ ứng dụng công nghệ mới vào các chuyến bay thật, theo dõi trong thời gian thực.
Trong bối cảnh công nghệ hàng không ngày càng tinh vi phức tạp, phi công chịu rất nhiều áp lực tâm lý do đó một hệ thống an toàn như thế này có thể giúp giảm hoạt động, trạng thái của tổ bay từ đó đo lường chất lượng chuyến bay, cảnh báo rủi ro, hạn chế sự cố khẩn cấp.